Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước?

Tào Minh| 25/12/2019 08:00

Đó là bình luận của ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tại hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045" tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội.

Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước?

‘Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước?’, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu câu hỏi.

Mới chỉ có bóng đá trọng dụng nhân tài ngoại quốc

Tại hội thảo này, TS. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã trình bày báo cáo về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2030. Ông Ngoạn gọi đó là mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

Bình luận ngay sau phần trình bày của TS. Ngoạn, GS. Võ Đại Lược cho rằng mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã bộc lộ hạn chế nhưng việc chuyển sang mô hình tăng trưởng nào lại là một chuyện khác.

"Theo tôi, điểm quan trọng nhất trong mô hình kinh tế là thể chế. Thể chế của chúng ta hiện nay quá nhiều vấn đề. Một ví dụ, Bộ Tư pháp cho biết có tới 50% văn bản dưới luật trái với luật. Hiện nay, các nhóm lợi ích chi phối rất nhiều, chi phối cả thể chế. Cấp Bộ được soạn nghị định thì các ông giành quyền lợi cho bộ mình chứ không nghĩ đến lợi ích quốc gia".

"Ai làm ra thể chế đấy? Con người chứ ai. Nhưng hiện giờ mua quán bán chức, chạy chức chạy quyền, trong cơ quan nhà nước ít có người tài nên văn bản soạn thảo ra rất hạn chế. Ví dụ như Luật Đặc khu, chúng tôi đã phản biện nhưng hầu như họ không sửa gì", ông Lược nói.

Ông Lược cho rằng, đã đến lúc nhà nước phải có chiến lược trọng dụng nhân tài một cách thực chất hơn, quyết liệt hơn.

"Trung Quốc có chiến lược trọng dụng nhân tài rất cụ thể. Họ áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài của Mỹ, của Singapore, vì thế Hoa kiều có tài về đại lục ngày càng nhiều. Và, họ không chỉ dùng Hoa kiều, họ dùng cả người nước khác. Việt Nam ta mới có chỉ bóng đá dùng huấn luyện viên người Hàn thôi, còn nhiều lĩnh vực khác ta không dùng", ông Lược so sánh.

Bổ sung thêm vào các bình luận của GS. Võ Đại Lược, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh rằng, thời nào cũng vậy, cải cách được chế độ sở hữu và cơ chế trung gian thì đất nước sẽ trở nên thịnh vượng. Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng thể chế hiện đại phải xây dựng được các trụ cột như kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền…

Link bài viết

"Anh Ngoạn (TS. Vũ Viết Ngoạn – PV) nói nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước?", ông Tuyển nêu câu hỏi.

Dịch vụ hay công nghiệp?

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng là điều cần thiết, tuy nhiên cần phải tìm đúng động lực tăng trưởng. Ông Nghĩa cho hay, hồi năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện một nghiên cứu đối với 81 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Kết quả nghiên cứu chia 81 quốc gia thành 4 nhóm.

- Nhóm 1 (gồm 25% số nước được nghiên cứu) trong khoảng thời gian 12 năm (1991 – 2013) đã tăng gấp đôi GDP. Ở những nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ 2,1%, còn công nghiệp là 0,6%.

- Nhóm 2 (gồm 48% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP từ 100 – 200%.  Ở những nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 6,5%, công nghiệp là 1,4%.

- Nhóm 3 (gồm 15% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP từ 200 – 300%. Ở các nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 19,8%, công nghiệp là 0,7%.

- Nhóm 4 (gồm 10% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP trên 300%. Ở các nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 19,8%, công nghiệp là 0,1%.

Tính trung bình 81 nước, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 6,2%, công nghiệp là 0,5%.

"Nghiên cứu này cho thấy mô hình tăng trưởng truyền thống, công nghiệp trước - dịch vụ sau, dường như phải xem xét lại. Người ta cho rằng thế giới đang đi vào dịch vụ nhanh hơn nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và Internet".

Đấy là một gợi ý cho chúng ta khi nói đến động lực tăng trưởng. Tôi nghĩ chỗ nào vốn chảy vào nhiều nhất một cách tự nhiên, chỗ nào lao động tập trung nhiều nhất một cách tự nhiên, ta sẽ tìm động lực chỗ đó".

"Nhà đầu tư cũng vậy, chỗ nào có lợi nhuận thì họ sẽ vào chỗ đó. Và, đó mới là chỗ ta tìm kiếm động lực", ông Nghĩa nói.

(Theo vietnamfinance.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO