Bản tin chiều 15/7: Việt Nam đón 14 Bộ trưởng châu Phi đến tìm hiểu mô hình OCOP
Tin tức nổi bật chiều 11/7: Việt Nam đón 14 Bộ trưởng châu Phi đến tìm hiểu mô hình OCOP; Đề xuất miễn thuế 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào tài chính, công nghệ và năng lượng sạch; HoREA kiến nghị TP.HCM gỡ vướng pháp lý hơn 200 dự án; Bộ Xây dựng phản hồi đề xuất nâng cấp sân bay Pleiku hơn 12.600 tỷ đồng... và một số thông tin đáng chú ý khác.
Việt Nam đón 14 Bộ trưởng châu Phi đến tìm hiểu mô hình OCOP
Ngày 15/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với sự tham dự của hơn 14 Bộ trưởng châu Phi. Sự kiện góp phần định vị Việt Nam như “điểm đến tri thức” về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa và hội nhập thương mại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, OCOP là chương trình trọng điểm khơi dậy tiềm năng nông thôn, phát triển sản phẩm đặc trưng trên nền tảng cộng đồng. Tính đến nay, cả nước đã có trên 16.000 sản phẩm OCOP, với hơn 9.000 chủ thể tham gia.

Các cuộc đối thoại cấp cao tại hội thảo xoay quanh mô hình “Mỗi Quốc gia Một sản phẩm ưu tiên” (phiên bản OCOP quốc tế), hướng đến mục tiêu tăng năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời truy xuất nguồn gốc rõ ràng và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường.
Diễn đàn tập trung giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu; đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm.
Bộ Xây dựng phản hồi đề xuất nâng cấp sân bay Pleiku hơn 12.600 tỷ đồng
Bộ Xây dựng vừa có thông tin phản hồi liên quan đến Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku (tỉnh Gia Lai). Bộ cho biết, dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Pleiku có tổng mức đầu tư dự kiến 12.660 tỷ đồng, thuộc danh mục 5 dự án hạ tầng trọng điểm tỉnh Gia Lai đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 sân bay Pleiku đạt công suất 4 triệu hành khách/năm, và 5 triệu hành khách vào năm 2050. Tuy nhiên, hiện chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt vốn. Trường hợp tỉnh Gia Lai có nhu cầu đầu tư sớm, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh chủ động nguồn lực địa phương hoặc huy động vốn xã hội hóa. Phần hạ tầng hàng không dân dụng như nhà ga, sân đỗ... sẽ do Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.
Sân bay Pleiku hiện chỉ phục vụ khoảng 600.000 lượt khách/năm. Việc nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.
Đề xuất miễn thuế 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm cho doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập từ hộ hoặc cá nhân kinh doanh, nếu doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm. Thời gian miễn thuế tính từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế. Nếu không phát sinh thu nhập trong 3 năm, sẽ được tính từ năm thứ tư.

Để hưởng ưu đãi, hộ kinh doanh phải hoạt động liên tục 12 tháng trước khi chuyển đổi; doanh nghiệp mới không được lập lại từ doanh nghiệp cũ.
Dự thảo cũng bổ sung 14 loại thu nhập vào diện miễn thuế, gồm: Thu nhập từ nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tại vùng khó khăn; dịch vụ kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; sản xuất thử nghiệm công nghệ mới; doanh nghiệp có trên 30% lao động yếu thế; lãi từ trái phiếu xanh; thu nhập không chia của cơ sở xã hội hóa...
Các khoản miễn thuế phải được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và có xác nhận của cơ quan chức năng. Trường hợp vi phạm sẽ bị truy thu và xử phạt.
TP.HCM kêu gọi doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào tài chính, công nghệ và năng lượng sạch
Ngày 15/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị đã tiếp ông Daniel J. Kritenbrink - nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hiện là lãnh đạo cấp cao Tập đoàn The Asia Group.
Ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, TP.HCM đang hướng tới xây dựng siêu đô thị hiện đại sau khi mở rộng địa giới hành chính, kỳ vọng thu hút đầu tư từ Mỹ vào 4 lĩnh vực trọng tâm: Tài chính quốc tế, công nghệ cao - chuyển đổi số, năng lượng sạch và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Năm 2024, kim ngạch thương mại TP.HCM - Mỹ đạt hơn 10,7 tỷ USD, tăng 42% so với 2023. Mỹ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 9 tại Thành phố.
Ông Kritenbrink đánh giá cao tiềm năng của TP.HCM và cam kết The Asia Group sẽ là cầu nối thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp với chính phủ, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư hiệu quả giữa hai bên. Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng tháo gỡ các thách thức về chính sách để thu hút đầu tư hiệu quả hơn từ Mỹ.
HoREA kiến nghị TP.HCM gỡ vướng pháp lý hơn 200 dự án
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thường trực UBND TP.HCM về tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM trước sáp nhập và kiến nghị một số nội dung liên quan. Theo HoREA, thị trường bất động sản Thành phố ghi nhận tăng trưởng dương 9,1% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn cung mất cân đối nghiêm trọng khi không có dự án trung cấp hoặc nhà giá rẻ được mở bán.

Tỉ lệ triển khai nhà ở xã hội vẫn thấp, mới đạt 11,7% kế hoạch 2021-2025. Từ thực trạng này, HoREA kiến nghị UBND Thành phố khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho hàng loạt dự án. Cụ thể, cần rà soát, trình thông qua danh mục 371 khu đất với tổng diện tích hơn 2.000ha để thực hiện "dự án thí điểm" theo Nghị quyết 171/2024/QH15. Đồng thời, xem xét bổ sung 245 khu đất tại Bình Dương với diện tích hơn 1.500ha.
HoREA cũng đề nghị Thành phố chỉ đạo rà soát pháp lý khoảng 220 dự án vướng mắc và xử lý 68 dự án nhà ở thương mại đang bị đình trệ, cùng 4 dự án theo Nghị quyết 170. Ngoài ra, kiến nghị làm rõ nghĩa vụ tài chính "nếu có" để chủ đầu tư sớm hoàn tất thủ tục, tránh ảnh hưởng đến người mua nhà.
Đẩy nhanh thi công Quốc lộ 28B nối Lâm Đồng với khu vực ven biển
Theo Ban Quản lý dự án 5 (Bộ Xây dựng), tính đến ngày 15/7, việc bàn giao mặt bằng cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B, tỉnh Lâm Đồng cơ bản đã được hoàn tất. Dự án đang bước vào giai đoạn tăng tốc thi công nhằm mở hướng kết nối quan trọng giữa cao nguyên và khu vực ven biển.

Dự án dài khoảng 68km, nối Quốc lộ 1A (xã Lương Sơn, Bình Thuận) với Quốc lộ 20 (xã Ninh Gia, Lâm Đồng), tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án chia thành hai gói thầu, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025 và tháng 5/2026. Tổng diện tích đất thu hồi để làm dự án gần 68ha. Đến nay, các địa phương đã bàn giao 62/68km. Các vướng mắc về đất rừng đã được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thi công.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, đồng thời đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương để xử lý kịp thời phát sinh, phấn đấu hoàn thành dự án đúng kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Hà Nội hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng mỗi năm cho doanh nghiệp SME
Từ năm 2026, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Hà Nội sẽ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, theo nghị quyết mới được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua. Trong đó, mức hỗ trợ cao nhất là 300 triệu đồng mỗi năm cho các hợp đồng tư vấn chuyên sâu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, công nghệ số, công nghiệp sáng tạo và công nghiệp chủ lực.

Ngoài ra, thành phố chi toàn bộ kinh phí đào tạo, tập huấn cho tư vấn viên doanh nghiệp (tối đa 20 triệu đồng/người/năm) và hỗ trợ tới 70% chi phí đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài về đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao (tối đa 100 triệu đồng/học viên/năm).
Các startup được hỗ trợ 50% chi phí thuê thiết bị, mặt bằng tại cơ sở kỹ thuật, khu ươm tạo, tối đa 50 triệu đồng/năm và không quá 10 triệu đồng/tháng. Chính sách này nhằm hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thủ đô, giúp SME nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Công ty chứng khoán của Techcombank lãi kỷ lục, chuẩn bị IPO hơn 230 triệu cổ phiếu
Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), thành viên của Techcombank vừa báo lãi trước thuế quý II đạt 1.733 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từ trước đến nay. Doanh thu hoạt động đạt 2.690 tỷ đồng, tăng 20%, trong đó lãi từ cho vay chiếm hơn 31%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCBS ghi nhận 4.688 tỷ đồng doanh thu và 3.043 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cùng tăng gần 10%. Tổng tài sản đạt hơn 65.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay ký quỹ hơn 33.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Ngày 5/7, cổ đông TCBS thông qua kế hoạch bán tối đa 231 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tương đương 11,1% vốn điều lệ sau khi tăng vốn lên hơn 23.000 tỷ đồng. 70% nguồn thu dự kiến từ IPO sẽ được dùng cho hoạt động tự doanh, phần còn lại đầu tư vào môi giới và ký quỹ.
Mỏ Kình Ngư Trắng đón dòng dầu thương mại đầu tiên
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) vừa cho biết dự án mỏ Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam đã chính thức đón dòng dầu thương mại đầu tiên vào sáng 14/7. Giàn CPP-KNT nhận dòng dầu đầu tiên, sau đó hỗn hợp được vận chuyển về giàn MSP-10 để xử lý thông qua đường ống ngầm dài hơn 38km.

Đây là một dự án phát triển mỏ dầu có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, bao gồm nhiều gói thầu đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao do liên doanh Vietsovpetro điều hành với sự tham gia của Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) và Công ty Zarubezhneft. Dù thi công trong điều kiện khó khăn do COVID-19, thời tiết khắc nghiệt và kỹ thuật vùng nước sâu, dự án vẫn hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng.
Việc đưa mỏ vào vận hành thương mại không chỉ góp phần duy trì sản lượng khai thác trên 3 triệu tấn dầu/năm mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển thông qua các hợp tác dầu khí chiến lược.
Giá cà phê phục hồi mạnh, tiến sát mốc 95.000 đồng/kg
Chiều 15/7, giá cà phê trong nước bật tăng mạnh sau nhiều phiên giảm sâu. Tại Đắk Nông (nay thuộc Lâm Đồng), cà phê được thu mua cao nhất 94.700 đồng/kg, tăng 6.200 đồng so với phiên ngày 12/7. Đắk Lắk và Gia Lai ghi nhận mức 94.400 - 94.600 đồng/kg; một số khu vực ở Lâm Đồng thấp nhất cũng đạt 94.200 đồng/kg.

Như vậy, chỉ sau một phiên giao dịch, giá cà phê trong nước đã phục hồi hơn 6.000 đồng/kg, tiến sát mốc 95.000 đồng/kg, mức cao nhất trong gần 1 tháng qua. Các doanh nghiệp thu mua cho biết nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu giao hàng tăng trở lại đang đẩy giá đi lên.
Trên sàn London, giá Robusta kỳ hạn tháng 9 tăng mạnh 303 USD, đạt 3.519 USD/tấn. Các kỳ hạn xa cũng tăng trên 270 USD/tấn. Trên sàn New York, Arabica kỳ hạn tháng 9 tăng 15,35 cent, chốt 301,85 cent/lb. Giá cà phê thế giới phục hồi nhờ lực mua kỹ thuật mạnh và kỳ vọng cung thiếu hụt kéo dài do thời tiết bất lợi tại Brazil và tồn kho giảm nhanh.