Ngành dệt may với tiền đồ “5 sao”

KIM HOA| 26/02/2010 00:50

Dịp Tết Canh Dần được coi là thời cơ vàng để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà một trong những ngành gặt hái được nhiều thành quả nhất là ngành dệt may.

Ngành dệt may với tiền đồ “5 sao”

Dịp Tết Canh Dần được coi là thời cơ vàng để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà một trong những ngành gặt hái được nhiều thành quả nhất là ngành dệt may. Có thể thấy rõ điều đó tại các chợ lớn nhỏ, trung tâm mua sắm, các cửa hàng quần áo ở khắp nơi trên các phố phường Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc.

Hiện tại, ngành dệt may đã có kênh phân phối đến tận các huyện đảo xa như đảo Phú Quốc và đang tiếp tục xúc tiến rất nhiều chương trình bán hàng nội địa khác. Mục tiêu đặt ra trong năm 2010 của ngành là dành 30% năng lực sản xuất phục vụ thị trường trong nước.
Trước Tết, ông Lê Tiến Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đã khẳng định: “Doanh thu nội địa toàn ngành dệt may trong năm 2009 ước tính trên 60 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2008. Mạng lưới phân phối hiện có 15.000 cửa hàng và đại lý. Tỷ lệ nội địa hóa đạt 45% toàn ngành (riêng các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn đạt 50%).

Trong số 9,1 tỷ USD doanh thu toàn ngành năm 2009 có trên 4 tỷ từ thị trường nội địa, cho thấy Việt Nam không còn là một đất nước chuyên làm gia công dệt may. Sản phẩm dệt may "Made in Vietnam" đã góp phần làm giảm căng thẳng cán cân thương mại, đảm nhiệm vai trò cân bằng cán cân thương mại quốc gia”.

Mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may trong nước được đặt ra liên tục từ nay đến năm 2020 và xa hơn, trong vòng 25 năm. Tập đoàn Dệt May Việt Nam không chỉ lạc quan bởi “tỷ lệ sử dụng vải nội trong may mặc ngày càng nhiều”, mà còn tự tin với một số dự án trồng bông (ở Nha Hố), xơ polyester (ở Đình Vũ), sợi (ở Phú Bài, Hòa Thọ, Hồng Lĩnh) đã và đang được triển khai chính là để tích cực thực thi đích đến đó.

“Năm 2009, sản xuất bông tăng 300%, năng suất tăng 2,5 lần, tăng mức thu nhập lên 50 triệu đồng/hecta/bông. Thực tế đó đã tạo đà cho ngành bông phát triển bền vững và thu hút nông dân trồng bông. Sản xuất bông, sử dụng vải nội đồng thời cũng tạo ra động lực thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển”, ông Cường cho biết.

"So với các ngành xuất khẩu khác thì ngành dệt may nước ta đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất và vươn lên vị trí số 1 - ông Cường khẳng định - Không những thế, thị phần đều tăng mạnh ở Mỹ, EU, Nhật Bản (tại Mỹ, năm 2008 hàng dệt may đến từ Việt Nam đạt 3,8% thị phần thì sang năm 2009 đã tăng lên trên 5%; tại Nhật, hàng may mặc của Việt Nam tăng 15% so với năm 2008”.

Có thể nói, định hướng “Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, khôi phục nhóm sản phẩm dệt may giá cao trong năm 2010” đã nằm trong lộ trình hiện thực hóa tiền đồ “10 năm tới Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia sản xuất dệt may hạng 5 sao, thu hút bộ phận khách hàng 5 sao” của khoảng 2.200 doanh nghiệp (chiếm 10% trong tổng số 22.000 doanh nghiệp dệt may cả nước). Đó là những doanh nghiệp đã và đang tiến tới tự chủ về chất liệu, tạo mẫu, sản xuất, quảng cáo sản phẩm ở nước ngoài và chủ động phân phối hàng trên cả hai thị trường nội và ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may với tiền đồ “5 sao”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO