Năm 2019 là năm bứt phá ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam

Nguyễn Loan| 30/12/2019 08:00

Năm 2019 được xem là năm bứt phá ngoạn mục về kinh tế của Việt Nam, trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, và để duy trì tốc độ tăng trưởng cao cho năm 2020 cũng như trong hai thập niên tới, có 9 nhóm giải pháp đã được đề xuất.

Năm 2019 là năm bứt phá ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam

Tăng trưởng GDP năm 2019 cả nước đạt 7,02% (vượt mục tiêu đề ra 6,8%), nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á và thế giới.

Sáng 30/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để đánh giá lại kết quả đã đạt được trong năm 2019 và triển khai những giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2020.

Hội nghị có sự tham dự của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá tổng quát tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2019 với chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

Năm 2019 ghi nhận nhiều kỷ lục mới

Theo đó, 2019 được xem là năm bứt phá ngoạn mục về kinh tế của Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế thế giới nhiều biến động, đặc biệt là dưới sự ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tăng trưởng GDP cả nước đạt 7,02% (vượt mục tiêu đề ra 6,8%), nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu châu Á và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (2,79%). Mặt bằng lãi suất và tỷ giá duy trì ổn định.

Tỷ lệ nợ công giảm từ trên 64% GDP những năm trước về khoảng 56% GDP năm nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay (517 tỷ USD), xuất siêu trên 9,9 tỷ USD. Thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD (đạt kỷ lục chưa từng có), dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD. Thu hút vốn FDI cao nhất từ trước tới nay (hơn 20 tỷ USD). Doanh nghiệp (DN) thành lập mới trên 138.000. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt khách.

Thủ tướng nhấn mạnh, các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy, Việt Nam năm 2019 không chỉ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao, ổn định hàng đầu châu Á, mà chất lượng tăng trưởng cũng có sự cải thiện rất rõ nét thông qua tốc độ tăng năng suất lao động.

Đồng thời, điều này khẳng định thông điệp: Chính phủ không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, mà luôn đảm bảo công thức 3 trong 1 (kinh tế, xã hội và môi trường). Ba mục tiêu này không loại trừ mà bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện.

Các thành phố có truyền thống đầu tàu của cả nước vẫn tiếp tục giữ vai trò, động lực dẫn dắt nền kinh tế đi lên; nhiều địa phương khác bắt đầu phát triển với sự trỗi dậy mạnh mẽ để trở thành nhân tố quan trọng trong tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Mỗi một kết quả đạt được đều thể hiện sự đồng thuận, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị,  quyết tâm đổi mới sáng tạo, ý chí vượt khó của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức từ trung ương đến địa phương.

Chín nhóm giải pháp cho năm 2020

Để duy trì, nâng cao tốc độ tăng trưởng cho năm 2020 và cho 2 thập niên tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn ý thức chức năng kiến tạo và tạo cơ hội tốt nhất, công bằng nhất cho tất cả địa phương cùng mọi tầng lớp nhân dân. Thủ tướng cũng yêu cầu Hội nghị tập trung thảo luận 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội cho năm 2020.

Thứ nhất: Đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt ra mục tiêu, kế hoạch, cùng hiến kế những giải pháp về đích sớm nhằm đạt kết quả toàn diện hơn cho năm 2020.

Thứ hai: Tháo gỡ các rào cản, hạn chế về cơ chế chính sách pháp luật để môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi. Khắc phục ngay những điểm yếu trong chỉ số cạnh tranh quốc gia (giải quyết phá sản xếp thứ 122/190 nước, khởi sự kinh doanh thứ 115/190, nộp thuế thứ 109/190 và thương mại qua biên giới chỉ xếp thứ 104/190…).

Thứ ba: Tạo sự đột phá, khơi thông có tính chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, hành động quyết liệt của các cấp, các ngành trong năm 2020. Chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt… trong thi hành công vụ.

Thứ tư: Tạo động lực mới cho tăng trưởng năm 2020 và các năm tiếp theo. Tận dụng các thế mạnh của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thúc đẩy nền kinh tế số. Hỗ trợ địa phương tìm kiếm động lực tăng trưởng mới (phát triển kinh tế ban đêm, đô thị theo quy hoạch…).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.

Thứ năm: Tìm kiếm giải pháp tạo nền tảng tăng tốc cho kinh tế số năm 2020 và những năm tới (kinh tế số của Việt Nam tăng 4 lần trong 5 năm qua, dự báo đạt 20% GDP trong 5 năm tới)

Thứ sáu: Tăng cường sức đột phá trong cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sáng tạo trong việc thực thi các chủ trương, chính sách và các giải pháp đã ban hành từ Trung ương.

Thứ bảy: Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội. Đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an toàn cho người dân một cách tốt nhất. Làm thế nào thực hiện thông điệp tốt "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Thứ tám: Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước bằng các chương trình đầu tư tương xứng với tình hình phát triển chung và thách thức của thời kỳ mới.

Thứ chín: Đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức. Tập trung vào mục tiêu đưa kinh tế xã hội Việt Nam vươn cao, bay xa.

Link bài viết

Hành động của Chính Phủ

Tập trung vào các giải pháp phát triển kinh tế xã hội cho năm 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để xác định rõ vướng mắc, điểm chồng chéo, hạn chế… và sửa đổi, bổ sung chính sách để giải phóng mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển.

Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế để thử nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, nhằm tạo thuận lợi cho DN khai thác công nghệ, mô hình kinh doanh mới trong môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Bên cạnh đó, sẽ tập trung hoàn thiện các dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua. Tạo thuận lợi cho kênh huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển đồng bộ các yếu tố sản xuất, đặc biệt là quyền sử dụng đất, thị trường vốn, thị trường lao động, khoa học, công nghệ và củng cố kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát làm nền tảng cho phát triển bền vững.

Thêm vào đó, cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường và cân đối vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, ngăn chặn tín dụng đen.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành duy trì cán cân thương mại, tăng cường cho tăng trưởng, đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), phát triển thị trường xuất khẩu, thâm nhập các thị trường mới. Kiểm soát nhập khẩu, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp với yêu cầu FTA và luật lệ quốc tế.

Đối với thị trường lao động, nếu như năm 2020, cần tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người thì đến năm 2025, phải có việc làm cho hơn 5 triệu người dân cả nước. Đây là thách thức không nhỏ đối với Chính phủ và các địa phương. Vì vậy, cần thiết thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng của đất nước. Trong đó, những việc cần làm ngay là trao cơ hội việc làm, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2019 là năm bứt phá ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO