Luật Doanh nghiệp 2014: Cần cơ chế mạnh để giám sát thực thi luật

HẢI VÂN thực hiện| 08/07/2015 06:15

Ở các nước, đã là nghị sĩ quốc hội thì không được giữ các chức danh nhà nước. Nhưng ở Việt Nam, nhiều vị bộ trưởng hay thứ trưởng là đại biểu quốc hội.

Luật Doanh nghiệp 2014: Cần cơ chế mạnh để giám sát thực thi luật

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Theo TS. Võ Đại Lược, xã hội quan tâm nhiều đến cách thi hành luật này để có thể tác động tích cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp.

Đọc E-paper

* Từ 1/7/2015, theo Luật Doanh nghiệp 2014, con ruột, con nuôi và những người thân khác của các bộ trưởng, thứ trưởng không được giữ chức hội đồng thành viên hay tổng giám đốc trong các doanh nghiệp nhà nước do bộ đó quản lý vốn. Ông nhận định thế nào về quy định này?

- Tôi nghĩ quy định ấy là tích cực nhưng bây giờ mới ban hành là muộn. Các quan chức của Nhà nước, ngay cả khi người thân không làm trong doanh nghiệp nhà nước cũng đã mối quan hệ với doanh nghiệp loại này.

Ở các nước luật pháp minh bạch, các cơ quan giám sát quyền lực và báo chí đã hạn chế bớt được tình trạng ấy. Ở ta, các cơ quan quyền lực không giám sát được hoặc giám sát không hết hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Cho nên, Luật quy định như vậy, ít nhất là ngăn chặn những mối quan hệ quá đáng.

Nhưng giải pháp đấy chưa đủ để xử lý hay để giải quyết, hay để xóa bỏ hiện tượng tiêu cực trong mối quan hệ tạm gọi là mờ ám giữa một số công chức nhà nước với người làm doanh nghiệp.

* Dư luận kỳ vọng sau 1/7 sẽ có một "làn sóng" chuyển dịch nhân sự, hoặc bộ trưởng hay thứ trưởng, hoặc con ruột hay con nuôi và người thân của họ sẽ chuyển vị trí công tác? Theo ông, chuyện đó có thể xảy ra?

- Chắc chắn không có thay đổi nhiều. Nếu ông bố là bộ trưởng, con làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước, chắc chắn ông bố sẽ không từ chức mà tìm cách chuyển con về làm vụ trưởng hay vụ phó và điều động vụ trưởng hay vụ phó sang làm giám đốc.

Tôi không biết Luật Doanh nghiệp 2014 ban hành quy định này dựa trên những điều tra nào, có bao nhiêu người thân bộ trưởng hay thứ trưởng giữ cương vị lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhưng chắc không lớn để đủ sức gây nên làn sóng chuyển dịch hay một sự xáo trộn nhân sự.

TS. Võ Đại Lược

* Ông dự báo thế nào về phản ứng của dư luận liên quan đến quy định người thân của bộ trưởng, thứ trưởng không được lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước do bộ đó quản lý vốn?

- Đó là một giải pháp tích cực có tác động nhất định đến đời sống xã hội nhưng không tạo chuyển biến đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Ở đây, nếu không phải con ông bộ trưởng làm giám đốc doanh nghiệp nhà nước mà là một người khác, cũng có thể có sự thay đổi nhưng không đáng kể.

Vấn đề không phải ở việc chuyển người mà là cơ chế chung của bộ máy quản lý nhà nước. Cơ chế này là cơ chế xin - cho, một cơ chế quản lý hành chính, không áp đặt kỷ luật thị trường mà là kỷ luật hành chính, làm theo lệnh cấp trên.

* Nền kinh tế đang trong thế không thể không cải cách, nhưng dường như những giải pháp đột phá về con người chưa mang lại hiệu quả như mong muốn?

- Đổi mới cơ chế, con người và hạ tầng - ba đột phá quan trọng nhưng vấn đề là đổi mới thế nào là vấn đề khó. Bây giờ giảm thủ tục hành chính, nhưng các cơ quan hành chính của ta chưa thoát khỏi tình trạng xin - cho.

Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm mới, các doang nghiệp đang đón chờ.

Nhưng điều đáng quan tâm là cơ chế giám sát chưa đủ mạnh để bảo đảm Luật được thi hành nghiêm chỉnh. Luật Doanh nghiệp 2014 đã có hiệu lực nhưng vẫn phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành. Luật có thể quy định chung chung, nhưng đến nghị định mới phức tạp.

Nhất là với luật có giá trị thực tiễn, khi ban hành nghị định chắc chắn phải cắt quyền của bộ này, cắt quyền của bộ kia để trao lại quyền cho dân và doanh nghiệp.

Một khi bị cắt quyền, họ sẽ phản ứng, tranh cãi kéo dài nên nghị định hướng dẫn thi hành có thể hàng năm không ban hành được.

Một điểm nữa, ở các nước, đã là nghị sĩ quốc hội thì không được giữ các chức danh nhà nước. Nhưng ở ta, nhiều vị bộ trưởng hay thứ trưởng là đại biểu quốc hội.

Tôi đã có lần kiến nghị, nước ta nên theo theo xu hướng chung của thế giới, đại biểu quốc hội nên thôi giữ các chức vụ quản lý nhà nước.

* Cảm ơn ông! 

>Xử lý nợ xấu cần thêm cơ chế

>Cơ chế chưa thông, dòng vốn không dịch chuyển

>3 thủ tục hành chính được kết nối cơ chế một cửa quốc gia

>Thiếu cơ chế trong minh bạch thông tin ngân hàng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luật Doanh nghiệp 2014: Cần cơ chế mạnh để giám sát thực thi luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO