Lòng tin chiến lược

TS. LƯU BÍCH HỒ/HẢI VÂN ghi| 28/05/2014 03:52

Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam bao giờ cũng nói đến lòng tin. Thủ tướng Việt Nam cách đây không lâu đã nói đến lòng tin chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (TQ).

Lòng tin chiến lược

Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam bao giờ cũng nói đến lòng tin. Thủ tướng Việt Nam cách đây không lâu đã nói đến lòng tin chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc (TQ).

Đọc E_paper

Trong hợp tác kinh tế, chưa bàn đến vấn đề Biển Đông, cũng phải tạo lòng tin, phải có lòng tin chân thành thì những nội dung hợp tác, hướng hợp tác mới thực hiện được một cách chất lượng, bền vững. Tạo được lòng tin là yếu tố quyết định cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Những năm qua, Việt Nam đã phấn đấu nâng tầm của mình để quan hệ kinh tế giữa hai nước cân bằng hơn. Tất cả những gì đã làm được đều có ý nghĩa tích cực nhưng hoàn toàn chưa đủ, bởi TQ quá mạnh. TQ đang khai thác các lợi thế của mình tốt hơn rất nhiều so với Việt Nam. Trong khi TQ xuất khẩu máy móc, thiết bị, sản phẩm chế biến tinh, thì Việt Nam xuất khẩu toàn nguyên liệu thô.

Vì vậy, kinh tế của Việt Nam và TQ có sự ràng buộc rất lớn, và thậm chí kinh tế của Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế của TQ khi cán cân thâm hụt thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam, gần 20 tỷ USD mỗi năm. Thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng nghiêng lợi thế về phía TQ.

Với mong muốn hợp tác cùng có lợi, phía Việt Nam cố gắng thì TQ cũng nên hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam tạo ra thế cân bằng để mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững hơn.

Trong quan hệ đầu tư, thương mại theo nguyên tắc của thị trường, TQ hay Việt Nam cũng cần phải có lợi nhuận. Mục tiêu lợi nhuận là rất chính đáng. Việt Nam mong muốn có "lợi nhuận sạch", nhưng lợi nhuận Việt Nam thu được không tốt bằng TQ bởi TQ "có những cái không sạch".

Hàng hóa của TQ xuất sang Việt Nam có chiều hướng mất tín nhiệm, thậm chí có cả hàng hoá độc hại. Từ phía TQ còn tồn tại kinh tế ngầm, đó là một số hoạt động buôn bán có tính chất làm tổn hại đến nền kinh tế Việt Nam, thông qua việc mua nông sản hoặc hải sản dẫn đến làm cho thiệt hại về nông nghiệp hoặc về hải sản cũng như một số nguồn lợi về tài nguyên khác.

Phía TQ cần phải cải thiện những vấn đề đó đồng thời tạo điều kiện hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam xuất sang TQ được thuận lợi hơn, đặc biệt là hàng nông sản. Hai bên phải nghĩ tới việc liên kết, hợp tác đầu tư để chế biến khoáng sản tại Việt Nam chứ không phải là mua khoáng sản thô của Việt Nam đưa về TQ.

Theo đúng phương châm hợp tác thì hai bên phải tạo điều kiện cho nhau, nhưng những gì đạt được hiện nay chưa như mong muốn. Đầu tư của TQ vào Việt Nam không nhiều, tập trung vào lĩnh vực xây dựng. TQ nhận thầu đến 70% công trình xây dựng, phần lớn công trình phía TQ nhận thầu thường có giá thành rẻ.

Nhưng trong quá trình xây dựng, dần dần Việt Nam đã thấy cái giá này không rẻ nữa, bởi chất lượng thấp, thời gian bị kéo dài, giá thành công trình bị đội lên. Những điều đó làm giảm lòng tin của Việt Nam đối với các nhà thầu TQ và cũng cho thấy Việt Nam trong quá trình hội nhập còn ít kinh nghiệm.

Việt Nam đã tham gia WTO nên không thể phân biệt đối xử quốc gia được, không thể tạo ra cơ chế để làm rào cản thương mại với bất cứ quốc gia nào, trong đó có TQ. Vấn đề đặt ra, làm sao để dần dần theo hướng cùng thắng, điều đó hết sức quan trọng. Tất cả các điều kiện về nguồn lực, về tài chính của Việt Nam đều có khoảng cách rất xa so với TQ. Việc hai bên cùng thắng là định hướng, nhưng để làm được điều đó, phía Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm.

TQ có nhiều kinh nghiệm và đi trước một bước, thực lực rất lớn. Chỉ riêng một tỉnh Quảng Tây đã 50 triệu dân, hơn 1/2 dân số Việt Nam, trình độ phát triển của Quảng Tây những năm gần đây đã trên mức trung bình của TQ.

Với sự chênh lệch đó, nếu Việt Nam cứ "lẽo đẽo" đi sau thì không bao giờ tiến bằng TQ được. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang phải chạy theo với tốc độ chậm hơn, với chất lượng thấp hơn thì chưa thể đạt được yêu cầu mong muốn.

Việt Nam đi sau, có một cái thuận lợi là học hỏi được kinh nghiệm của các nước để phát huy lợi thế và tránh những sai lầm, kể cả sai lầm trong những "lệ thuộc" không đáng có. Trong 5-10 năm tới, Việt Nam phải tập trung vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

Việt Nam phải tạo ra sự khác biệt bằng đường hướng đi, bằng cách làm, kể cả cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm, để làm sao dần dần thu hẹp được khoảng cách với TQ. Điều này đòi hỏi các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương phải sớm tìm cách thay đổi. Và trên hết, độc lập trong kinh tế phải là định hướng tư duy lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lòng tin chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO