Loạt giải pháp “cứu” cộng đồng doanh nghiệp

H.Ng| 09/04/2020 06:22

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ với hàng loạt giải pháp nhằm “cứu” cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Loạt giải pháp “cứu” cộng đồng doanh nghiệp

Trong kiến nghị gửi Chính phủ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, chưa thể dự báo được khi nào dịch Covid-19 sẽ qua đi nhưng hệ luỵ, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục ngay khi dịch bệnh kết thúc. Khó khăn của DN còn chồng chất trước mắt nên rất cần những biện pháp căn cơ để hỗ trợ DN.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong điều kiện dịch bệnh đang kiểm soát tốt như hiện nay, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là với hàng hoá tiêu dùng thiết yếu. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần công bố danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này cùng hàng hoá dịch vụ có liên quan trong chỗi cung ứng, cả trong trường hợp phải xiết chặt các biện pháp cách ly và phong toả.  

Thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ trong năm 2020 với các DN không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho DN tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

giai-phap-2011-1586409676.jpg

Cần công bố danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này

Với các ngân hàng thương mại, đề nghị không chỉ tái cơ cấu, giảm chi phí cho vay, không thu phí dịch vụ với các khoản giao dịch nhỏ mà cần giảm lãi suất cho vay thêm 2-3% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh.

Với ngành tài chính, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế như hiện nay mà còn giảm thuế GTGT, TNDN, TNCN cùng các loại phí như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn... 

Về chính sách lao động, tiền lương, đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 và dừng thu phí công đoàn hết năm 2020, giảm phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% ít nhất trong năm 2020, 2021. Đồng thời, dừng và giảm thu quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống 0,5% trong ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng. 

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Cụ thể, trong lĩnh vực du lịch, cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch đồng thời giảm tiền thuê đất cho ngành khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng. Trong lĩnh vực logistics, nên giảm phí cảng biển về mức 50% trong năm 2020, giãn thu phí trong lĩnh vận tải đường bộ.

Về thủ tục cải cách hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, làm việc trực tuyến và tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt trong đăng ký đầu tư, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội để DN có thể tiếp nhận nguồn nguyên vật liệu nhanh nhất và xuất khẩu thuận lợi nhất.

Một giải pháp không thể thiếu là phải có chủ trương, chính sách để đón đầu cơ hội trong điều kiện tái cấu trúc nền kinh tế khi dịch bệnh được đẩy lùi. Trong đó, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ là những hướng đi quan trọng.

Về phía doanh nghiệp, cần phải thực hiện ngay các giải pháp cắt giảm chi phí, chú trọng khai thác thị trường trong nước, tăng cường liên kết và phát triển thị trường nội bộ… 

Những giải pháp này sẽ giúp DN có thể tự cứu mình, duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bớt đi gánh nặng trợ cấp của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Loạt giải pháp “cứu” cộng đồng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO