Kinh tế Việt Nam năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng trên 7%

Tùy Phong| 27/12/2019 06:00

Dù tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý IV/2019, song đây là năm thứ hai liên tiếp GDP cả nước đạt trên 7% kể từ năm 2011.

Kinh tế Việt Nam năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng trên 7%

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Thống kê công bố chiều 27/12, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra trong khoảng 6,6%-6,8% và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Trong đó, tăng trưởng bốn quý đạt lần lượt 6,82%, 6,73%, 7,48% và 6,97%.

So với số liệu công bố trước đó, tốc độ tăng GDP quý III được điều chỉnh thêm 0,17 điểm phần trăm, từ 7,31% lên 7,48%. Theo đại diện cơ quan thống kê, việc điều chỉnh số liệu tăng GDP quý III do một số ngành đạt kết quả thực hiện cao hơn ước tính như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản điều chỉnh tăng 0,47%; Công nghiệp tăng 0,14%; Vận tải, kho bãi tăng 1,31%...

Hãng tin Bloomberg nhận định, nhu cầu toàn cầu suy yếu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý IV của Việt Nam chậm lại.

Trước đó 2 ngày, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết: "Cụ thể thì chưa tính rõ được, nhưng chắc chắn là tăng trưởng kinh tế trên 7%, là năm thứ 2 tăng trên 7%. Kinh tế vĩ mô ổn định và được gia cường thêm. Lạm phát 2,73%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng, giúp cho tăng trưởng càng thêm có ý nghĩa".

Link bài viết

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Cơ cấu kinh tế năm 2019 cũng có những chuyển biến tích cực, với tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%. Cơ cấu tương ứng trong năm 2018 lần lượt là 14,68%; 34,23%; 41,12% và 9,97%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD, trong đó ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Vishnu Varathan - trưởng bộ phận kinh tế và chiến lược ngân hàng Mizuho Bank cho biết, hai vấn đề đặt ra với Việt Nam trong năm tới là sẽ giải quyết các vấn đề về giới hạn năng lực sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phát triển như thế nào? Và, liệu Mỹ có xem xét kỹ lưỡng hơn về sự mất cân bằng thương mại rất lớn và ngày càng tăng với Việt Nam hay không?

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo triển vọng trước mắt và trung hạn của nền kinh tế Việt Nam sẽ là tích cực, với dự báo tăng trưởng GDP quanh mức 6,5% trong 3 năm tới. 

"Xử lý những hạn chế về huy động tài chính cho doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm cao nhất từ các nhà hoạch định chính sách, nếu Việt Nam muốn tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bao trùm, hướng tới trở thành quốc gia thu nhập cao trong những thập niên tới", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế Việt Nam năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng trên 7%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO