Kiến nghị xem xét quyền lợi doanh nghiệp sản xuất kính thành phẩm

KHÁNH VÂN| 23/12/2009 08:23

Áp dụng biện pháp tự vệ là cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng nếu không cẩn trọng, có thể giúp ngăn chặn thiệt hại cho một số DN và cũng gây nên nguy cơ cho một số DN khác...

Kiến nghị xem xét quyền lợi doanh nghiệp sản xuất kính thành phẩm

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, ngày 22/12/2009, Hiệp hội có văn bản gửi Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam (kèm theo biên bản cuộc tọa đàm) để các cơ quan trên xem xét thấu đáo vụ điều tra biện pháp tự vệ theo đơn yêu cầu của VFG và VIFG.

Theo ông Hưng, vụ việc sẽ được giải quyết theo pháp luật và quy định của Việt Nam. Song, cách giải quyết cũng phụ thuộc vào nỗ lực tìm kiếm những chứng cứ, những văn bản trước khi Bộ Công Thương ra phán quyết.

Đại diện DN phân tích, so sánh về tỷ lệ tăng giá kính nổi do VFG sản xuất và kinh nhập khẩu.

Áp dụng biện pháp tự vệ là cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng nếu không cẩn trọng, có thể giúp ngăn chặn thiệt hại cho một số DN và cũng gây nên nguy cơ cho một số DN khác. Nếu thấy sự thiệt hại của các DN sản xuất kính thành phẩm là đúng, thì việc bác bỏ yêu cầu tự vệ kia là nhằm không tạo sự độc quyền khi hai DN nguyên đơn đã chiếm tới 80 - 90% thị phần kính.

Ông Hưng cho rằng, khó khăn của các DN nguyên đơn có nhiều vấn đề phải làm rõ, như cách quản trị, quy trình kỹ thuật, công nghệ, cung ứng đúng mặt hàng cho nhu cầu thị trường chưa. Có hai nhà máy sản xuất kính nổi có thể xem là ngành công nghiệp kính hay không? Trong khi có cả trăm DN sản xuất kính thành phẩm với tổng vốn nhiều hơn, tạo ra doanh thu nhiều hơn, giải quyết việc làm nhiều hơn thì bị bỏ quên. Vì sao không hợp lực, đoàn kết nhau thành ngành sản xuất kính Việt Nam lớn mạnh?

Không nên để xảy ra việc cùng là DN trong nước, cùng trong một Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, mà lại có DN được ủng hộ bảo hộ, DN khác bị o ép. Chỉ có hai công ty yêu cầu biện pháp tự vệ mà nói là một ngành sản xuất kính bị đình đốn, thì e rằng không đủ cơ sở.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM thấy rằng, Bộ Công Thương và các bộ liên quan cần cân nhắc vì đây là biện pháp tự vệ chứ không phải chống bán phá giá, như vậy Việt Nam sẽ có thể phải đền bù cho các nước khác thông qua một mặt hàng không liên quan đến ngành kính. Đến lúc đó, không những không được gì nhiều cho DN sản xuất kính nổi mà còn làm hại cả những ngành sản xuất không dính gì đến kính cả.

ÔNG PHẠM THANH TÙNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN KÍNH THUẬN THÀNH:

Khi áp dụng biện pháp tự vệ thì chắc chắn giá kính nổi trong nước sẽ tăng, Các nhà sản xuất kính thành phẩm sẽ không có nguyên liệu giá rẻ. Kính thành phẩm nước ngoài có giá tốt hơn sẽ nhập vào triệt tiêu các nhà sản xuất kính thành phẩm trong nước. Chúng tôi kiến nghị không áp dụng biện pháp tự vệ để hài hoà lợi ích của các DN, và trên hết là tinh thần cùng khuyến khích sản xuất sản phẩm đúng giá trị, thì mới cổ vũ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

ÔNG LƯƠNG TRỌNG TUẤN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN TM DV PHÚ PHONG:

Phú Phong mua kính nguyên liệu trong nước 70%, nhập khẩu 30%. 80% hàng nhập khẩu của Phú Phong là phục vụ cho các dự án lớn. Phải sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không thể sản xuất theo cái mà Phú Phong có. Ngay chính nhà thầu cũng không được quyền chọn lựa, mà là do đơn vị thiết kế công trình hoặc chủ đầu tư chỉ định. Khi nhà thầu nhận yêu cầu của chủ đầu tư rồi thì họ lại yêu cầu các nơi sản xuất kính thành phẩm phải làm theo yêu cầu.

ÔNG LÊ MINH CHÁNH, PHÓ GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH CÔNG TY TNHH TMDV HỒNG QUÝ:

Trong giá của VFG và VFIG do cơ cấu đầu tư không đúng, chẳng hạn như nhà máy Bình Dương của VFIG, vốn đầu tư đến 99,4% là vốn vay thương mại dẫn đến chi phí tài chính quá lớn, lỗ lũy kế trong 5 năm trên 84 tỷ đồng. Một điều nữa do chính sách giá của VFG, nhiều khi có hàng cũng không bán, cố tình đẩy lượng cầu lên, cung ít, đẩy điểm giá lên. Nhà sản xuất kính thành phẩm chỉ là người tiêu dùng trung gian, chỉ thiệt nhiều cho người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm không đúng với giá trị.

ÔNG NGUYỄN XUÂN VŨ, GIÁM ĐỐC TIẾP THỊ CÔNG TY KÍNH ĐÌNH QUỐC:

Cuộc chơi của thị trường phải có trọng tài, chứ không thể để một hai DN chiếm đến 80% thị phần kính nổi ở Việt Nam rồi tự họ quyết định giá. Đình Quốc cũng đầu tư máy cường lực khi thấy thị trường phát triển rất tốt. Khi đầu tư xong máy móc rồi thì nhập khẩu nguyên liệu bị đánh thuế cao lên, tạo ra bao khó khăn. Nhà sản xuất kính nổi trong nước nếu thấy mình cạnh tranh được với nước ngoài thì phải coi lại quy trình sản xuất trước trước khi muốn Nhà nước áp thuế nhập khẩu hàng từ nước ngoài cao lên.

ÔNG LÊ ANH HÙNG, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH SXTM HOÀN THIỆN II:

Đa số các dự án xây dựng sử dụng kính trong, đến khoảng 90%. Chúng tôi cũng rất bực bội mỗi khi gửi một bản đặt hàng thì lại nghe tăng giá. Thật ra kính của VFG tốt, nhưng giá tăng cao trong giai đoạn ngắn; trong vòng sáu tháng, chúng tôi phải mua với giá tăng 40 - 45%. Dự án xây dựng công trình diễn ra trong thời gian dài, chúng tôi không thể giải trình với chủ đầu tư. Khổ nỗi trong tiêu chuẩn chỉ định của nhà thiết kế công trình hay ý kiến của chủ đàu tư thường là phải sử dụng kính VFG. Chúng tôi chỉ còn cách móc tiền túi mình đặt cọc trước để chuẩn bị cho dự án. Vì vậy chúng tôi cũng có ý kiến xem lại hoạt động của các DN sản xuất kính nổi.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kiến nghị xem xét quyền lợi doanh nghiệp sản xuất kính thành phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO