![]() |
2011 là năm sóng gió đối với giá cả. Năm 2012 các mặt hàng điện, than, xăng dầu dự kiến sẽ còn tăng. Việc điều hành giá thế nào trong năm tới là câu chuyện đang được quan tâm.
![]() |
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. |
Giá cả nửa đầu năm gần như vượt khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, lệch khỏi quy luật lạm phát giảm dần các tháng sau Tết. Điều này được cho một phần do yếu tố điều hành giá các đầu vào thiết yếu như điện, than, xăng dầu, dẫn đến khó khăn cho sản xuất.
5 tháng trở lại đây, tình hình có dịu hơn và nhiều người đã bắt đầu mong đợi về một năm 2012 dễ thở hơn với giá. Nhưng, bài học nhìn từ năm 2011 cho thấy, lạm phát năm 2012 sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc điều chỉnh giá các đầu vào thiết yếu. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, trả lời phỏng vấn về nội dung này.
Ông có cho rằng việc điều hành giá một số đầu vào thiết yếu như điện, than, xăng dầu có những thời điểm dồn cục đã đẩy giá tăng?
Về nguyên tắc thì chúng ta đang thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những mặt hàng như điện, xăng dầu. Đối với xăng dầu thì do những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng từ giá thế giới tăng, còn điện thì do chi phí sản xuất tăng... nên buộc chúng ta phải điều chỉnh để tiến dần đến thị trường. Tuy nhiên việc chúng ta thực hiện dồn cùng lúc với việc điều chỉnh tỉ giá nên đã có tác động cộng hưởng đến thị trường, cùng với các yếu tố khác, đã đẩy giá 5 tháng đầu năm tăng rất cao.
Đối với xăng dầu, có những lúc người dân cảm thấy như bị bỏ rơi vì giá thế giới giảm nhưng cơ quan chức năng lại quyết định tăng trích Quỹ bình ổn hoặc tăng thuế nhập khẩu. Trong khi chúng ta vẫn nói là cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp - Nhà nước - người tiêu dùng?
Thực tế là khi giá thế giới tăng, Nhà nước đã hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách đưa thuế nhập khẩu về 0%. Còn nếu tính đủ thuế vào giá, thì giá xăng dầu không phải như vừa qua. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp xăng dầu có tăng thêm phí kinh doanh thì Nhà nước cũng không cho phép vượt mức quy định 600 đồng/lít xăng dầu. Đó chính là Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ khó khăn chung. Và cũng có thời điểm Nhà nước tính giá cơ sở trong đó không có lợi nhuận của doanh nghiệp xăng dầu.
Đối với điều hành giá cụ thể thì trong thời gian đầu năm, xăng dầu đã tăng giá 2 lần, nhưng sau đó giữ ổn định suốt từ tháng 4 cho đến tháng 8. Tiếp đó cũng đã giảm giá 2 lần. Còn cũng có những thời điểm giá thế giới biến động chưa rõ xu thế nên chúng ta cần phải có nguồn lực để bình ổn giá, thì lúc bấy giờ cũng phải xử lý thuế, quỹ bình ổn để có nguồn lực bình ổn giá.
Vừa rồi chúng ta đã giữ được giá thị trường tương đối bình ổn trong khi giá thế giới tăng cao. Nếu vừa rồi nếu không dùng Quỹ bình ổn giá thì sẽ phải tăng mỗi loại dầu thêm 1.000 đồng/lít.
Vừa qua Bộ Tài chính quyết là khoản 500 tỉ đồng chi hoa hồng sai, Petrolimex phải tự chịu. Tuy nhiên, nếu Petrolimex tìm cách hạch toán vào lãi lỗ để hợp thực hóa thì kiểu gì cũng tác động đến người tiêu dùng?
Chúng ta khẳng định dứt khoát chi phí kinh doanh trong điều hành giá cơ sở là 600 đồng/lít xăng dầu. Nếu doanh nghiệp chi vượt mức đó, người tiêu dùng cũng không phải chịu, Nhà nước cũng không cấp bù.
Doanh nghiệp phải bố trí lại sản xuất, tiết giảm chi phí và cũng có thể giảm lợi nhuận để chịu khoản lỗ này, chứ khoản lỗ này không được phân bổ vào giá, vì giá bán lẻ Nhà nước đã giữ trần.
Công thức tính giá cơ sở đối với xăng dầu lấy bình quân 30 ngày khiến giá ít biến động theo diễn biến thị trường, nên đôi khi người tiêu dùng thấy giá thế giới giảm mà giá trong nước không giảm. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này và có điều chỉnh thế nào ở năm 2012 cho phù hợp?
Theo quy định của Nghị định 84 của Chính phủ thì dự trữ kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm đủ 30 ngày. Trong công thức tính giá cơ sở chúng ta phải tính giá thế giới bình quân 30 ngày phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu theo quy định đó.
Trong khi chúng ta đang dần thực hiện giá xăng dầu theo lộ trình giá thị trường thì 30 ngày là dài. Cho nên sửa công thức này với thời gian ngắn hơn là điều chúng tôi đang làm, giúp tần suất điều chỉnh giá linh hoạt. Ví dụ như rút xuống 10 ngày điều chỉnh giá 1 lần, dần bám sát giá thế giới.
Ông dự báo thế nào về diễn biến xăng dầu năm 2012?
Kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn. Nhiều tổ chức thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới thấp hơn năm 2011. Từ đó nhu cầu về nguyên, nhiên vật liệu cũng không căng thẳng như năm vừa qua. Vì thế mặt bằng lạm phát của thế giới sẽ dịu đi hơn, trong đó có xăng dầu. Dự báo giá xăng dầu sẽ không biến động căng thẳng, có thể sẽ giảm xuống thấp hơn năm 2011 và giữ ở mức chúng ta có thể tính toán được.
Ông có thông tin gì về việc điều chỉnh giá điện năm 2012?
Chuyện điều chỉnh tăng giá điện đã có lộ trình được Thủ tướng phê duyệt. Còn thời điểm nào, mức độ nào thì chắc chắn sẽ phải tính toán, chứ chưa thể tính đủ ngay các khoản lỗ còn treo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nếu theo Quyết định 24 của Chính phủ thì cứ 3 tháng, EVN có thể tự động điều chỉnh giá điện một lần. Đó là về nguyên lý, còn điều chỉnh bao nhiêu và trong năm điều chỉnh mấy lần phải tính kỹ với mục tiêu kiềm chế lạm phát và điều kiện thực tế của xã hội.
Năm 2012 dự kiến Luật giá sẽ được xem xét thông qua. Khi đó giá điện, than, xăng dầu sẽ theo nguyên tắc nào?
Linh hồn của Luật giá là thực hiện giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tinh thần là 3 mặt hàng điện, than, xăng dầu cũng thực hiện theo nguyên tắc đó.
Tuy nhiên không phải khi Luật ra đời là thả theo thị trường ngay mà vẫn phải có lộ trình. Đây là điều phải làm cho phù hợp với tình hình kinh tế và phù hợp với lộ trình mà chúng ta đang làm để thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Ví dụ mặt hàng điện vẫn chưa thể tính đủ ngay trong năm 2012 mà phân bổ dần các khoản lỗ đang còn treo lại. Hay như xăng dầu, năm 2012 cũng phải tính toán tùy thuộc vào giá thế giới để khôi phục dần giá cơ sở. Sau khi tính đủ giá cơ sở mới cho doanh nghiệp tự điều chỉnh giá trong biên độ Nhà nước đã cho phép. Hiện giá giá cơ sở chưa tính đủ, thuế Nhà nước áp đang ở 0%, chi phí kinh doanh cũng đang có vấn đề mà chúng ta lại cho về thị trường ngay thì lúc bấy giờ tất cả các yếu tố cấu thành giá của công thức tính giá cơ sở sẽ bị khập khiễng.
Lộ trình là đến 2013 sẽ để các mặt hàng than, dầu, điện giá theo cơ chế thị trường. Vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ gặp khó khăn thế nào?
Vừa phải kiềm chế lạm phát dưới 10% vừa phải tính toán để xử lý giá ở mức độ hợp lý. Đó là việc dứt khoát phải làm. Tuy nhiên, muốn kiềm chế lạm phát có nhiều biện pháp, quan trọng nhất là yếu tố tài khóa và tiền tệ.