Không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài với hàng nội địa

Nam Phương| 15/08/2019 06:00

Hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ "made in Vietnam" hay "product of Vietnam". Thông tư này áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam nên ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt. Đây là một trong những điểm cơ bản trong dự thảo Thông tư cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công Thương soạn thảo.

Không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài với hàng nội địa

Chiều 14/8/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức buổi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì buổi họp báo .

Dự thảo Thông tư này bao gồm một số điểm cụ thể như sau: 

Phạm vi áp dụng cho hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam bao gồm hàng nhập khẩu lại gắn sẵn nhãn mác thể hiện đó là "hàng Việt Nam" thì thông tư này sẽ được áp dụng. Cơ quan chức năng sẽ có quyền yêu cầu người nhập khẩu chứng minh đó là hàng Việt Nam trước khi cho phép hàng hóa được thông quan.

Theo đó, hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trong hai trường hợp: hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam; hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Các doanh nghiệp không được thể hiện các nội dung "lắp ráp tại Việt Nam", "gia công tại Việt Nam" hay "thiết kế bởi Việt Nam", mà chỉ được phép lựa chọn một trong các cách quy định như: sản phẩm của Việt Nam hoặc sản phẩm Việt Nam; hàng hóa của Việt Nam hoặc hàng hóa Việt Nam hoặc hàng Việt Nam; sản xuất tại Việt Nam hoặc Việt Nam sản xuất; chế tạo tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tạo; chế tác tại Việt Nam hoặc Việt Nam chế tác…

Dự thảo thông tư cũng quy định, hàng hóa được xem là hàng Việt Nam phải đạt tỷ lệ giá trị gia tăng 30% hàm lượng giá trị nội địa chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam. Do đó, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được xem là hàng hóa của Việt Nam.

Link bài viết

Việc đặt ra tỷ lệ 30% cũng để tránh tình huống "oái ăm" là cả thế giới công nhận nhưng riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là sản phẩm của Việt Nam.

Cách tính hàm lượng giá trị khu vực sẽ dựa trên "trị giá CIF", trị giá nguyên liệu nhập khẩu đã bao gồm cả cước vận tải và phí bảo hiểm tính đến cảng hoặc cửa khẩu của Việt Nam; "trị giá EXW" là trị giá xuất xưởng của hàng hóa.

Các sản phẩm từ trước tới nay vẫn được dán nhãn "made in Viet Nam" hay sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam", theo dự thảo, khi thông tư có hiệu lực thi hành, việc thể hiện nội dung hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa phải tuân thủ các quy định của thông tư, không có ngoại lệ.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã giải đáp một số những câu hỏi cụ thể của báo chí

* Thưa ông, trường hợp nào thì hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam?

-Hàng hóa được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam phải là hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Thông tư.

Cùng với đó, hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa theo quy định tại Điều 9 của Thông tư.

Hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh Việt Nam lại không được phép thể hiện là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên bất kỳ tài liệu, vật phẩm nào chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó bởi đây là quy định để phòng tránh gian lận thương mại; trong đó có gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu tới hàng hóa Việt Nam. Hơn nữa, có quy định này, cơ quan chức năng sẽ thêm cơ sở để đấu tranh phòng chống gian lận thương mại.

* Một số sản phẩm có tính chất đặc thù thì sẽ xác định hàng hóa Việt Nam thế nào? Ví dụ lốp xe là sản phẩm của nhà máy sản xuất lốp nhưng lại là nguyên liệu của ngành sản xuất ô tô, xe máy? Hoặc chè Việt Nam phối trộn với chè Sri Lanka tỷ lệ 50/50%, làm sao để xác định hàng hóa Việt Nam?

- Lốp xe là đầu ra của một nhà máy sản xuất lốp, nhưng lại là đầu vào của ngành sản xuất ôtô, xe máy, theo dự thảo quy định "nguyên liệu" là bất kỳ vật liệu hay chất liệu nào được sử dụng hoặc tiêu tốn trong quá trình sản xuất ra hàng hóa. Vì vậy, nếu được sử dụng như đầu vào của sản xuất ôtô, xe máy, lốp xe sẽ được coi là nguyên liệu.

Cây xoài lấy giống từ Thái Lan đem về Việt Nam trồng thì quả xoài có được coi là sản phẩm của Việt Nam vì theo dự thảo cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam được coi là hàng hóa có xuất xứ thuần túy. Vì vậy, mặc dù cây xoài lấy giống từ Thái Lan nhưng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam nên quả xoài được coi là sản phẩm của Việt Nam.

50% chè Việt Nam phối trộn với 50% chè Sri Lanka, để đánh giá là sản phẩm Việt Nam thì cần xác định trị giá EXW (trị giá xuất xưởng) của sản phẩm chè sau chế biến, xác định sản phẩm cuối cùng là kết quả của quá trình phối trộn đơn giản hay sử dụng phương thức khác.

* Tại sao hàng hóa trong ASEAN phải đạt hàm lượng giá trị gia tăng 40% mới được gọi là đáp ứng quy tắc xuất xứ còn trong dự thảo Thông tư thì chỉ cần hàm lượng 30% đã được coi là hàng hóa Việt Nam?

- Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, hàm lượng giá trị gia tăng được gọi "hàm lượng giá trị khu vực" (RVC). Tên gọi này đã thể hiện tính chất "khu vực" của quy tắc xuất xứ, tức là cho phép cộng gộp xuất xứ của các nước thành viên.

Đơn cử như với RVC 40% trong ASEAN thì một sản phẩm có 20% giá trị của Thái Lan, 10% của Philippines, 5% của Lào và 5% của Việt Nam sẽ được xem là đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D. Thông tư này quy định chặt hơn. Cụ thể, tỷ lệ giá trị gia tăng 30% nêu tại Thông tư là chỉ tính riêng giá trị của Việt Nam.

Với quy định như tại dự thảo Thông tư, nhiều sản phẩm có thể đáp ứng xuất xứ ASEAN và được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu D nhưng chưa chắc đã đủ điều kiện để được coi là hàng hóa của Việt Nam.

* Theo ông, khi thông tư này có hiệu lực thì liệu có làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp?

Với Thông tư này, các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

- Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Hơn nữa, Thông tư còn giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.

Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

* Thông tư này ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp điện tử, công nghệ cao, công nghiệp ô tô hay không? Khi mà hiện nay ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử, công nghiệp lắp ráp ô tô, công nghiệp sản xuất thiết viễn thông đã có khá nhiều doanh nghiệp đang sản xuất lắp ráp các sản phẩm được xem là "made in Vietnam".

- Khi thông tư ra đời, một số sản phẩm đang ghi hoặc mong muốn ghi "made in Vietnam" sẽ có thể không được ghi nữa, nếu sản phẩm của họ không đáp ứng đủ các tiêu chí về tỷ lệ hàm lượng giá trị của Việt Nam phải đạt 30% trở lên, hoặc chưa đảm bảo được tiêu chí về chuyển đổi mã số HS.

* Về việc gán xuất xứ cho những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, ví dụ một doanh nghiệp Việt Nam sở hữu phần mềm, sở hữu thiết kế có giá trị hàm lượng chất xám hàng chục triệu thậm chí hàng tỷ USD, cao hơn so với phần cứng đặt hàng nước khác sản xuất chẳng hạn, thì như vậy sản phẩm đó có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không?

- Việt Nam không cho phép dán nhãn "made in Vietnam" với những sản phẩm đặt hàng ở nước khác, dù biết rằng giá trị của phần mềm đó lớn hơn nhiều giá trị phần cứng.

Nếu cho phép như vậy sẽ có nguy cơ gian lận thương mại rất cao. Tài sản trí tuệ, chi phí nghiên cứu, chi phí phát triển sẽ được ghi vào tính toán trong giá trị hàng hóa, nhưng sản phẩm cuối phải được sản xuất ở Việt Nam thì mới được ghi xuất xứ "made in Vietnam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài với hàng nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO