Chuyện làm ăn

“Bước từng bước” ra thế giới

Minh Minh - Ánh Như 10/11/2023 13:30

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã trở thành trụ đỡ chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có những giải pháp đột phá để có bước đi vững vàng ra thế giới.

viet-nam-moi-chi-o-giai-doan-pha-da-mo-duong-tren-thi-truong-halal-9103.jpg

Tính đến năm 2022, Việt Nam có 11 thương hiệu nằm trong top 1.000 thương hiệu của châu Á nhưng chưa có thương hiệu nào lọt vào những thương hiệu có tiếng trên thị trường thế giới (Global Brand). Như vậy, việc mang thương hiệu ra toàn cầu của doanh nghiệp Việt còn những chặng đường dài…

Tại chương trình Cà phê SACA với chủ đề “Chiến lược mở rộng thị trường” vừa qua do Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM tổ chức, bà Võ Liên Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Secoin cho rằng, thương hiệu quốc gia là một yếu tố được đánh giá rất cao đối với sản phẩm. Tuy nhiên, người tiêu dùng một số nước mặc dù biết sản phẩm của Việt Nam tốt nhưng không sẵn lòng mua, bởi chưa biết chủ hàng cụ thể là ai, nó có phải là sản phẩm thương hiệu quốc gia.

Do đó, trước mắt, để bán được hàng thì phải tìm thị trường ngách, tìm ra những nơi không quá quan tâm xuất xứ hàng hoá hoặc có một số thị trường nhỏ chấp nhận sản phẩm made in Vietnam. Chúng ta vẫn phải chấp nhận “bước từng bước” khi ra thị trường thế giới.

Bà Liên cũng cho rằng, muốn ra nước ngoài đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thương hiệu giống như nuôi đứa con của mình, phải nuôi dưỡng từng bước một. Và để tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp phải chứng minh đã cung cấp được gì cho khách hàng mà đối thủ không có. Cũng theo bà Liên, các chuỗi cung ứng toàn cầu khi làm việc với các nhà cung cấp từ Việt Nam đã đưa ra yêu cầu về cung cấp “sản phẩm bền vững”, sản phẩm xanh”. Doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế tuần hoàn, có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phát triển được trong ngắn hạn và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo bà Hương, khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 100% doanh nghiệp vật liệu xây dựng khẳng định phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm kinh doanh năm 2023. Hiện tại, 77,8% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để đáp ứng chất lượng theo chuẩn mực kinh doanh toàn cầu, doanh nghiệp cần xây dựng 4 tiêu chí Q. U.A.D: Q - Quality, U - Unique, A - Authentic, D - Desire.

Q - Quality là chất lượng về hệ thống quản lý, về trách nhiệm xã hội, về môi trường làm việc, đảm bảo an toàn lao động, chế độ cho người lao động phải công bằng, sản phẩm, dịch vụ phải an toàn cho người sử dụng.

U - Unique là tính độc đáo. Tính độc đáo trong sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo và hiểu rõ khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp xây dựng danh tiếng, thu hút sự quan tâm của người mua và đạt được sự cạnh tranh bền vững trên thị trường.

A - Authentic là tính đích thực. Sản phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, không phải sản phẩm copy hay sản phẩm chỉ theo trào lưu.

D - Desire là sự sẵn lòng mua hàng.

Theo bà Ngô Phi Phụng - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ tiếp thị chia sẻ Metta, các mặt hàng kinh doanh ở Việt Nam đều rất đa dạng, phong phú từ sản phẩm truyền thống đến hiện đại. Doanh nghiệp Việt có khát khao rất lớn là làm sao để xuất khẩu thương hiệu ra thị trường nước ngoài. Để đạt được điều đó, phải đảm bảo ba yếu tố: Đầu tiên phải thấu hiệu thị trường và người tiêu dùng, tiếp đến là xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, cuối cùng là khả năng tiên liệu và dự báo.

Từng thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường Mỹ cho điện thoại Vsmart, bà Phụng kể: “Khi đối tác hỏi về data khách hàng thì hãng sản xuất lại không có bất cứ dữ liệu nào. Điều này là một “cú sốc” bất ngờ, vì doanh nghiệp đã bỏ hàng triệu Mỹ kim để làm ra sản phẩm nhưng lại không nghiên cứu và biết gì về khách hàng Mỹ. Khi một thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài, điều đó có nghĩa doanh nghiệp phải cạnh tranh với thế giới. Cho nên, nếu sản phẩm không có chất lượng và mẫu mã bằng hoặc hơn các mặt hàng đã ra đời trước đó, không đáp ứng nhu cầu, không hiểu thói quen tiêu dùng của khách hàng tại quốc gia ấy thì chắc chắn bị “đào thải”.

Vậy nên, có 3 yếu tố then chốt mở cửa thị trường nước ngoài: Thứ nhất, thấu hiểu thị trường và người dùng chính là thấu hiểu được khách hàng mục tiêu, ngách thị trường và chiến lược thâm nhập thị trường; Thứ hai, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp bằng các công cụ truyền thông chủ yếu tại thị trường nước ngoài, pháp luật về dữ liệu khách hàng cần tuân thủ, câu chuyện thương hiệu truyền cảm hứng và gây hiệu ứng truyền miệng tốt; Thứ ba, khả năng tiên liệu và dự đoán về tình hình chính trị, xã hội, kinh tế, xã hội của thế giới và khu vực, quốc gia nhập khẩu cũng như luật và quy định, logistics quốc tế và tỉ giá.

Trong đó, điều kiện tiên quyết cần phải có khi ra thị trường nước ngoài là phải luôn nhìn xa. Thực hiện một đơn hàng nhiều khi mất cả năm, vì vậy phải theo dõi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới và khu vực, quốc gia nhập khẩu, luật pháp và quy định mới sẽ áp dụng, logistic và tỉ giá sẽ thay đổi như thế nào, biến động ra sao. Đó là những thành tố ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu mà doanh nghiệp bắt buộc phải tiên liệu nếu muốn đứng vững trên thương trường nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Bước từng bước” ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO