Thời sự

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 450 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm

Bạch Khởi 29/07/2024 - 11:47

Báo cáo mới nhất Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2023.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.

Đối với kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Theo đó, cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 7 tháng tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%.

tim-hieu-quy-trinh-thu-tuc-hai-quan-xuat-nhap-khau-hang-hoa-202206041435406751.jpeg
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 226,98 tỷ USD

Riêng với thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.

Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2024, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng top đầu xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… Bộ Công Thương đánh giá Việt Nam có thể được xếp vào vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Vì thế, cần có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc, đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường, đưa hàng hóa vào thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… ngoài thị trường truyền thống. Qua đó, giảm bớt rủi ro khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một thị trường.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết đang tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 450 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO