Hướng tới kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm

25/04/2010 04:59

Những năm gần đây trái cây Việt Nam đã có mặt ở 50 nước trên thế giới. Mặc dù vậy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trái cây hiện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Hướng tới kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm

Những năm gần đây trái cây Việt Nam đã có mặt ở 50 nước trên thế giới. Mặc dù vậy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trái cây hiện còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Vẫn thua trên sân nhà

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có trên 786.200 ha diện tích đất trồng cây ăn quả; trong đó diện tích trồng cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc chiếm 40% với 316.800 ha, phía Nam chiếm 60% với 469.400 ha. Năng suất trồng cây ăn quả của nước ta nhìn chung đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể năm 2009, năng suất cây ăn quả bình quân cả nước đạt 10 tấn/ha, tăng trên 40% so với năm 2002 (năm 2002 đạt 7 tấn/ha).

Tuy nhiên, so với thế giới thì năng suất bình quân cam, bưởi của ta mới chỉ bằng 50 – 60% Thái Lan, Ấn Độ; năng suất dứa chỉ bằng 56% so với Thái Lan, 66% so với Trung Quốc và 35% so với Philippin… Không chỉ đạt năng suất thấp, kim ngạch xuất khẩu trái cây mỗi năm cũng chỉ khoảng 300 triệu USD. Dự kiến trong năm 2010 này, kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ bằng với năm 2009 với xấp xỉ 300 triệu USD. 

Nguyên nhân chính là do hầu hết những loại trái cây đặc sản được thị trường thế giới ưa chuộng như bưởi, xoài cát, nhãn, chôm chôm… đều trong tình trạng canh tác manh mún, thu hoạch không tập trung nên doanh nghiệp rất khó thu mua với số lượng lớn phục vụ cho việc chế biến, xuất khẩu.

Vì vậy không thể đáp ứng được những đơn đặt hàng lớn và ổn định của các đối tác nước ngoài. Do đó nhiều năm nay doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trái cây và nhà vườn không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến tình trạng trái cây Việt Nam và ĐBSCL chỉ dừng ở mức tiêu thụ nội địa, xuất tiểu ngạch bấp bênh sang thị trường Trung Quốc và thường lâm cảnh “được mùa, rớt giá”, bị trái cây ngoại nhập lấn sân dù Việt Nam không thiếu trái cây ngon.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia: chất lượng trái cây của nước ta còn chưa ổn định, sản phẩm chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế; công nghệ sau thu hoạch còn lạc hậu, không bảo quản được lâu; chưa áp dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật để tăng tính cạnh tranh... 

Để trái cây Việt Nam có sức cạnh tranh

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho rằng: để trái cây Việt Nam và khu vực ĐBSCL có được uy tín và chỗ đứng trên thị trường thế giới, ngoài việc tổ chức các lễ hội trái cây như Festival nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản cây trái với người tiêu dùng nội địa và khách hàng quốc tế, nhà vườn, nhà khoa học, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau.
Hiện nay Việt Nam chỉ mới có vài vùng chuyên canh tập trung trái cây hàng hóa như thanh long Bình Thuận và Chợ Gạo (Tiền Giang), Châu Thành (Long An), khóm Tân Phước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), xoài cát Hòa Lộc…

Theo TS Châu, điều cần thiết bây giờ là đầu tư nhiều hơn nữa cho sản xuất trái cây, xây dựng các tuyến đường để xe tải có trọng lượng lớn có thể đi vào được những khu sản xuất dứa, thanh long... dễ dàng hơn. Mở rộng hơn nữa mối quan hệ nhằm với các nước giới thiệu, quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chú trong vào qui hoạch vùng chuyên canh, sản xuất theo qui trinh chất lượng và an toàn thực phẩm (EUREPGAP/ VietGAP). Các tỉnh có diện tích trái cây lớn nên hỗ trợ nâng cấp nâng cấp một vài cơ sở, nhà đóng gói thanh long, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa... đạt các tiêu chuẩn VSATTP/ BRC. 

Về phía Bộ NN&PTNT cũng đã đưa ra định hướng phát triển cây ăn quả cho ĐBSCL và Vùng Nam Bộ từ nay tới năm 2020. Theo đó vùng ĐBSCL sẽ bắt đầu xây dựng vùng chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản rộng 300.000 ha với sản lượng khoảng 3 triệu tấn trái/năm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chất lượng phục vụ xuất khẩu, chế biến và tiêu thụ nội địa. 

Đồng thời thực hiện liên kết chặt chẽ 4 nhà (Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp) để tạo thế vững chắc giúp trái cây Việt phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một số loại trái cây đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng Viet GAP, Global GAP, EUREP GAP như Xoài cát Hòa Lộc, thanh long ruột đỏ, xoài cao sản Thanh Sơn, măng cụt, bưởi Tân Triều… sẽ được gia tăng diện tích nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu xuất khẩu. 

Thực hiện cho chiến dịch này tỉnh Tiền Giang đã đầu tư cho các dự án nhà máy sơ chế, đóng gói trái thanh long phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trị giá 40 tỉ đồng, công suất 50.000 tấn trái/năm; dự án khu nông nghiệp công nghệ cao trị giá 150 tỉ đồng ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng Global G.A.P, Euro G.A.P... từ khâu canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến xuất khẩu. Nhờ đó các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế. 

Phía tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa ra nhiều kế hoạch giúp phát triển cây thanh long từ nay tới năm 2015. Hiện tại, tỉnh có 50 doanh nghiệp, trang trại, Hợp tác xã, cơ sở sơ chế đóng gói đã triển khai áp dụng qui trình sơ chế rau quả tươi an toàn theo qui định của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đầu năm 2009, tỉnh có hơn 5.000 hộ nông dân sản xuất thanh long lập thành 133 nhóm liên kết cùng thực hiện qui trình Viet GAP với diện tích 4.000 ha.

Theo kế hoạch, đến cuối quí II/2010 sẽ hoàn thành 3.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn Viet GAP, đến cuối năm 2010 sẽ có 5.000 ha thanh long đạt tiêu chuẩn Viet GAP và tỉnh sẽ tiếp tục triển khai áp dụng qui trình này với diện tích thanh long còn lại vào những năm tiếp theo. Các tỉnh có những loại trái cây chủ lực khác như Kiên Giang, Hưng Yên, Ninh Thuận… cũng đang gấp rút thực hiện qui hoạch nhằm giúp người nông dân nâng cao năng suất cây trái, tăng thêm giá trị cho xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng tới kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO