Hội thảo quốc tế "giải oan" cá tra

26/04/2011 05:42

Xuất phát từ những yêu cầu xây dựng lại hình ảnh cá tra tại thị trường châu Âu, một đoàn công tác Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN đến Thụy Sĩ làm việc với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên quốc tế vừa trở về VN.

Hội thảo quốc tế

Xuất phát từ những yêu cầu xây dựng lại hình ảnh cá tra tại thị trường châu Âu, một đoàn công tác Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đến Thụy Sĩ làm việc với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên quốc tế vừa trở về VN.

Thu hoạch cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng hình ảnh cá tra tại châu Âu

- VASEP và Tổng cục Thủy sản đã trao đổi những vấn đề gì với WWF, thưa ông?

+ Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng: cuối năm 2010, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại nhiều nước đưa cá tra VN vào danh sách đỏ. Sau đó giữa ta và WWF đã ký một thỏa thuận hợp tác sẽ phát triển cá tra một cách bền vững.

Mục tiêu của thỏa thuận là WWF phải rút cá tra VN ra khỏi danh sách đỏ. Hai bên sẽ hợp tác với nhau để cải thiện tính sản xuất bền vững cho cá tra, thay đổi hình ảnh của cá tra VN tại châu Âu. Tuy nhiên, vào tháng 3/2011, một đài truyền hình của Đức phát một phóng sự dài gần 30 phút bêu xấu cá tra khiến thị phần mặt hàng này bị ảnh hưởng rất lớn.

Sau đó, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, dẫn đầu đã đến Thụy Sĩ làm việc với WWF quốc tế. Qua cuộc làm việc này, chúng tôi mới biết ngay cả nội bộ WWF cũng không thống nhất. Một điều nữa là WWF của các nước cũng chưa hẳn là cấp dưới của WWF quốc tế.

Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng

Nghĩa là không phải vấn đề gì thì WWF các nước cũng phải tuân theo sự chỉ đạo của WWF quốc tế. Chính vì điều này nên hiện WWF tại Thụy Điển vẫn giữ cá tra VN ở danh sách đỏ. Sau khi thảo luận, chúng tôi đề nghị WWF tiếp tục thực hiện những điều đã cam kết nhưng chưa thực hiện. Cụ thể là phải rút cá tra VN ra khỏi danh sách đỏ ở một số nước và công bố cá tra VN vào danh sách hướng đến phát triển bền vững, để hướng người tiêu dùng châu Âu tiếp tục sử dụng.

Các bên đã thống nhất sẽ tổ chức một hội thảo quốc tế về sản xuất, phát triển cá tra tại TP.HCM vào cuối tháng 6 này. Tham dự hội thảo phải có những nhà nhập khẩu muốn nhập khẩu cá tra VN với tiêu chuẩn bền vững cao hơn, ví dụ như tiêu chuẩn chương trình dán nhãn và chứng nhận hàng đầu thế giới đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm (gọi tắt là ASC). 

Nhà nhập khẩu đặt hàng mới làm

- Nghĩa là doanh nghiệp VN chỉ sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn ASC khi có thị trường tiêu thụ?

Xuất khẩu với giá trên 3,4 USD/kg mới có lời

Do giá nguyên liệu tăng cao nên hiện giá thành sản xuất cá tra đã xấp xỉ 3,4 USD/kg. Ngoài ra, do thị trường nguyên liệu sẽ có nhiều biến động, doanh nghiệp nên ký giao hàng gần, chứ không nên ký giao xa.

Ông DƯƠNG NGỌC MINH, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt ở hội nghị xuất khẩu cá tra

Cá tra tiếp tục bị bêu xấu

Cuối tháng 3/2011, một bộ phim của WWF dài 30 phút có tên gọi “Pangasius lie” (cá tra dối lừa) phát tại Đức đã làm người tiêu dùng ở Đức mất niềm tin và có nguy cơ lan sang các thị trường khác.

Theo tôi biết, đoàn làm phim sang VN quay với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng VN. Tuy nhiên, khi về dựng để phát sóng thì tất cả mặt tốt của cá tra bị họ cắt bỏ hết. Qua sự việc này, doanh nghiệp nên cẩn thận khi khách hàng có ý định ghi hình.

Ông LƯU BÁCH THẢO, Tổng Giám đốcCông ty CP Việt An

+ Đúng. Chúng tôi đã gặp gỡ một số nhà nhập khẩu lớn ở một số nước và được họ cam kết năm 2012 sẽ chỉ bán sản phẩm có chứng nhận tiêu chuẩn ASC. Trong hội thảo sắp tới, các nhà nhập khẩu có yêu cầu tiêu chuẩn Global Gap, ASC sẽ đến hội thảo công bố cam kết số lượng hàng sẽ mua. Còn WWF quốc tế cũng phải công khai các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến tiêu chuẩn ASC.

- Hiện nay VN có rất nhiều doanh nghiệp đã đạt Global Gap. Vậy thì tiêu chuẩn ASC sẽ khác với Global Gap ở những điểm nào, thưa ông?

+ Chúng tôi với WWF quốc tế cũng đi đến thống nhất chung sẽ chọn những doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn Global Gap nhưng tự nguyện xây dựng thêm ASC theo yêu cầu của khách hàng để hỗ trợ, xây dựng tiêu chuẩn ASC.

Qua chuyến đi vừa rồi, chúng tôi cũng muốn “gò” WWF vào những hoạt động cụ thể để làm rõ chất lượng của cá tra VN, chứ không thể để ai muốn nói gì thì nói.

Không ai được quyền ép doanh nghiệp

- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng hiện sản xuất thủy sản có quá nhiều tiêu chuẩn ràng buộc?

+ ASC hay một tiêu chuẩn nào khác chỉ là tự nguyện. Tức là người xuất khẩu tự nguyện vì xét thấy quyền lợi lâu dài của họ có trong đó và tự nguyện vì khách hàng yêu cầu. Khi nhà nhập khẩu có yêu cầu, tức anh phải trả thêm tiền để sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn.

Tôi tin rằng khi tiêu chuẩn ASC đưa vào áp dụng thì nhu cầu mua hàng theo tiêu chuẩn này sẽ tăng lên rất nhanh và chính nhu cầu đó sẽ quyết định giá sản phẩm đạt chứng nhận ASC. Cho nên chúng ta phải chủ động tác động vào cung cầu này để quyết định giá bán, chứ không nên để phía nhà nhập khẩu quyết định mọi chuyện.

Nếu sau này Tổng cục Thủy sản có xây dựng tiêu chuẩn VietGap bắt buộc người sản xuất cá tra phải tuân theo thì đó mới được coi là tiêu chuẩn bắt buộc. Chứ còn hiện tại, tiêu chuẩn nhà nước lẫn quốc tế chỉ là khuyến khích áp dụng. Không ai có quyền bắt buộc doanh nghiệp làm theo tiêu chuẩn này hoặc tiêu chuẩn kia. sự ràng buộc chủ yếu đến từ thỏa thuận của nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội thảo quốc tế "giải oan" cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO