Hỗ trợ vay vốn chuyển đổi công nghệ “xanh”

HUỲNH NGUYỄN| 25/08/2011 05:48

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo “Giới thiệu Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh – Đổi Mới Công Nghệ và Sản Phẩm Bền Vững” sáng 25/8 tại khách sạn Rex. Hội thảo do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh và Dự án Đổi Mới Công Nghệ và Sản Phẩm Bền Vững tổ chức.

Hỗ trợ vay vốn chuyển đổi công nghệ “xanh”

Đây là một trong những nội dung được đề cập tại hội thảo “Giới thiệu Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh – Đổi Mới Công Nghệ và Sản Phẩm Bền Vững” sáng 25/8 tại khách sạn Rex. Hội thảo do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh (Green Credit Trust Fund – GCTF) và Dự án Đổi Mới Công Nghệ và Sản Phẩm Bền Vững (Sustainable Product Innovation – SPIN) tổ chức.

Hội thảo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, các công nghệ thân thiện với môi trường từ các dự án phát triển sản xuất sản phẩm bền vững do các nước Châu Âu tài trợ.

Ảnh P.A

Ông Nguyễn Hồng Long – Điều phối viên dự án SPIN - Ảnh P.A

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh – Tiếp sức cho doanh nghiệp đổi mới

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên dự án GCTF cho biết mục tiêu hoạt động của GCTF là thúc đẩy đầu tư dài hạn công nghệ sạch; giảm thiểu tác động đến môi trường và đóng góp cho sự phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam. Với các doanh nghiệp công nghiệp, Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư công nghệ sạch hơn từ trung đến dài hạn với mức bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay (tối đa 500.000 đô la/dự án) và trả thưởng tối đa 25% tổng giá trị khoản vay (tối đa 200.000 đô la/dự án).

Ví dụ, doanh nghiệp đủ điều kiện được quỹ hỗ trợ, khi cần vay ngân hàng 1 tỉ đồng để phát triển dự án với mức thế chấp là 1,5 tỉ đồng thì quỹ sẽ bảo lãnh 50% tổng giá trị vay là 500 triệu. Đến khi kết thúc dự án, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhận thêm phần trả thưởng tương đương 25% tổng giá trị khoản vay. Một doanh nghiệp ngành nhựa ở Việt Nam đã thay đổi 2 máy ép thuỷ lực bằng 2 máy ép sử dụng động cơ riêng cho từng bộ phận giúp giảm tiêu hao điện năng trên 1 kg nhựa đạt trên 50%. Doanh nghiệp này đã nhận được mức trả thưởng 25%.

Mức trả thưởng sẽ dựa vào tỉ lệ cải thiện môi trường khi áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất. Tỉ lệ cải thiện môi trường đạt trên 30%, mức trả thường sẽ là 15%. Tỉ lệ trên 50%, mức trả thưởng sẽ là 25% . Ngân sách của GCTF là 5 triệu đô la do SECO (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ) cấp. Trong đó, 3 triệu đô la dành để bảo lãnh và 2 triệu đô la dùng để trả thưởng.

Các đối tượng chính nhận được hỗ trợ của dự án là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại (Nhà hàng/dịch vụ ăn uống, khách sạn/trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, khu vui chơi - giải trí, tòa nhà văn phòng, cơ sở giặt là/nhuộm) có nhu cầu vay vốn để cải thiện công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hơn và tác động môi trường được đánh giá phải nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp. Qui mô của các khoản vay từ 10.000 đến 1 triệu đô la.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên dự án GCTF- Ảnh P.A

Dự án SPIN – Phát triển sản phẩm bền vững mang thương hiệu Việt

Bên cạnh Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh, dự án “Đổi Mới Công Nghệ và Sản Phẩm Bền Vững – SPIN” mở ra cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận các công nghệ thân thiện với môi trường và đổi mới sản phẩm bền vững. Ông Nguyễn Hồng Long – Điều phối viên dự án cho biết, mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực đổi mới sản phẩm, sản xuất các sản phẩm bền vững đồng thời làm giảm tác động tiêu cực về môi trường và nâng cao tính trách nhiệm xã hội cho 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Sản phẩm bền vững là sản phẩm có chất lượng cao, được sản xuất theo công nghệ an toàn hơn với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mỗi sản phẩm bền vững phải thể hiện bốn yếu tố: thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu xã hội và yếu tố văn hóa. Có năm ngành công nghiệp chính sẽ được ưu tiên nhận hỗ trợ từ SPIN là: dệt may, da giày, đồ trang trí nội ngoại thất, thủ công mỹ nghệ và chế biến thực phẩm.

Tiêu chí tiên quyết để một doanh nghiệp tham gia vào dự án là lãnh đạo doanh nghiệp phải có nhiệt huyết, năng lực và tầm nhìn đối với công việc kinh doanh. Doanh nghiệp sẵn sàng dành nguồn lực cho dự án bao gồm nhân sự, thời gian, nguyên liệu, chế tạo thử nghiệm…Tiềm năng đổi mới mạnh mẽ, mô hình có khả năng nhân rộng và doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để các đơn vị khác học tập trong và sau dự án cũng là một trong những yếu tố quyết định.

Tham gia dự án, doanh nghiệp có cơ hội cải thiện năng lực sản xuất sản phẩm bền vững, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện thiết kế, thương hiệu, tiếp thị và phát triển sản phẩm.

Diễn giả trả lời hội thảo gồm: Ông Nguyễn Hồng Long – Điều phối viên dự án SPIN, ông Nguyễn Thanh Minh TBT Báo DNSG và bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên dự án GCTF
Đại biểu phát biểu ý kiến - Ảnh P.A
Đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh P.A

Các doanh nghiệp quan tâm đến Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh và Dự án SPIN xin vui lòng liên hệ:

- Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh- GCTF tại địa chỉ: http://www.gctf.vn/
- Dự án SPIN tại địa chỉ: http://www.spin-asia.org/

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hỗ trợ vay vốn chuyển đổi công nghệ “xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO