Hàng Thái đổ bộ, doanh nghiệp Việt nên làm gì?

BẢO NGUYÊN| 20/09/2017 04:54

So với hàng Thái Lan, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đồng nhất về mặt chất lượng cũng như mẫu mã đóng gói còn chưa bắt mắt nên còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu.

Hàng Thái đổ bộ, doanh nghiệp Việt nên làm gì?

Theo báo cáo của Vụ Thị trường Châu Á - Châu Phi, 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn từ Thái Lan gồm điện gia dụng và linh kiện (646 triệu USD), rau quả (618 triệu USD), ô tô nguyên chiếc (403 triệu USD), linh kiện, phụ tùng ô tô (340 triệu USD). 

Trước thực trạng nhập siêu từ Thái Lan, vừa qua Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp để tìm nguyên nhân, qua đó bàn các giải pháp nâng cao sự cạnh tranh của hàng Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thái Lan, hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Thái Lan và Việt Nam của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2011 đến nay, Thái Lan liên tục xuất siêu vào Việt Nam. Điển hình, năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai nước đạt 8,18 tỷ USD thì Thái Lan đã xuất vào Việt Nam trị giá 6,4 tỷ USD. Đến cuối năm 2016, trong tổng kim ngạch 12,49 tỷ USD xuất nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam đã nhập trị giá 8,79 tỷ USD từ Thái Lan.

Link bài viết

Không chỉ Thái Lan, gần đây, nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc cũng tăng vọt. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu dẫn đầu của Việt Nam, với giá trị 27,1 tỷ USD (tăng 16,8% so cùng kỳ năm 2016) nhưng Hàn Quốc lại là thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, đạt giá trị kim ngạch 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%.

Việc hàng hóa từ Thái Lan hay Hàn Quốc liên tục đổ vào Việt Nam đã được dự báo từ trước, bởi có sự hậu thuẫn của các đơn vị phân phối từ các quốc gia này, vốn đang ngày một mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Hơn nữa, với Hàn Quốc còn có những tác động từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Đặc biệt doanh nghiệp (DN) của họ còn có sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ trong việc xúc tiến thương mại, sự dẫn dắt của các DN lớn đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV) khi đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam.

Năm 2016, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế Thái Lan (DITP) đã ký với các DN lớn của Thái Lan nhằm hỗ trợ các DNNVV. Theo đó, một số thương hiệu lớn như BJC, SCG chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, đầu mối liên lạc, kết nối DN với các thị trường mà các DNNVV của Thái Lan hướng đến. Việc này sẽ giúp các DNNVV Thái Lan đưa hàng ra các nước trong khi các DN lớn có thêm những nhà cung cấp mới.

Với chính sách "DN lớn hỗ trợ DN nhỏ” mà Chính phủ Thái Lan đưa ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Thái thâm nhập thị trường Việt Nam. Chẳng hạn Robins - một thương hiệu bán lẻ của Tập đoàn Central Group đã mua hệ thống 34 siêu thị Big C tại Việt Nam, gần 50% cổ phần của Nguyễn Kim và thâu tóm mạng bán lẻ Zalora Việt Nam.

Tại Triển lãm Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2017 mới đây, nhà bán lẻ này đã tham gia với một gian hàng khá lớn. Tại triển lãm, Robins giới thiệu những sản phẩm của các DN Thái với khách hàng, chủ yếu là quảng bá những thương hiệu chưa có mặt tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, thay vì xuất khẩu thô, DN Việt Nam cũng chú trọng đến việc xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu, song vẫn còn một số trở ngại. Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu hàng Việt, ông Yoon Byung Soo - Giám đốc Chiến lược sản phẩm LotteMart Việt Nam cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm. Một là tính cạnh tranh về giá (giá phải rẻ), hai là cải thiện chất lượng và đóng gói tốt hơn.

Việt Nam có điểm mạnh là chi phí sản xuất rẻ, do vậy, về cạnh tranh giá cả thì có lẽ DN sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, so sánh với sản phẩm đồng giá của Thái Lan thì về mặt chất lượng, hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đồng nhất cũng như mẫu mã đóng gói còn chưa bắt mắt nên để xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, DN Việt Nam cần tập trung cải thiện hai vấn đề trên để có thể đẩy mạnh đưa hàng Việt ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, cách xúc tiến thương mại của người Thái bài bản từ cấp chính phủ đến doanh nghiệp như kể trên là đáng học hỏi, nếu Việt Nam muốn cân bằng cán cân thương mại. Tương tự Hàn Quốc cũng từng tổ chức xúc tiến thương mại vào thị trường Việt Nam rất bài bản, từ văn hóa đến thời trang...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Thái đổ bộ, doanh nghiệp Việt nên làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO