Giữ tôm

HẢI ANH| 24/09/2013 00:46

Sau áp lực bệnh dịch, thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp ngành tôm đang đứng trước một mối nguy lớn không kém từ việc thu gom tôm nguyên liệu bằng mọi cách từ Trung Quốc.

Giữ tôm

Sau áp lực bệnh dịch, thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp ngành tôm đang đứng trước một mối nguy lớn không kém từ việc thu gom tôm nguyên liệu bằng mọi cách từ Trung Quốc.

Đọc E_paper

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), thời gian gần đây, tình trạng thương lái thu mua tôm nguyên liệu để đưa sang Trung Quốc đã đến mức báo động và đang gây rối thị trường tôm nguyên liệu trong nước, gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất, xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Khoảng gần một tháng trở lại đây, theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu. Nếu trước đây, các thương lái Trung Quốc chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên thì nay tôm cỡ 150 con/kg cũng được thu gom, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các thương lái Trung Quốc liên tục đẩy giá. Theo đó, giá tôm thẻ bán tại hồ đang mức 150.000 đồng/kg, tăng thêm 25.000 - 30.000 đồng/kg so với cách đây nửa tháng, tức là giá mua này cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá của các doanh nghiệp Việt Nam mà không cần kiểm tra dư lượng kháng sinh trong tôm.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước thu mua tôm loại 80 con/kg thì các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua loại 100 con/kg cũng với giá tương đương, thậm chí mua luôn cả loại 120 con/kg (tôm non).

Một doanh nghiệp ở Phú Yên cho biết, không thể cạnh tranh trong thu mua tôm nguyên liệu với thương lái Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp "mắc kẹt" với những hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu vì trước đây doanh nghiệp có thể mua 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng, nay chỉ còn mua được khoảng 20 tấn.

Các thương lái Trung Quốc đến tận hồ mua trực tiếp tôm nguyên liệu rồi chở ngay sang Trung Quốc mà không phải đóng thuế nên họ liên tục đẩy giá tôm.

Nguy hiểm hơn, theo các doanh nghiệp Việt Nam, thương nhân Trung Quốc thu mua cả tôm không đạt chất lượng, nhiễm tạp chất, kháng sinh... nên nhiều nông dân đã tái sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm. Trong khi đó, vì thiếu nguyên liệu nên dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp đang phải chịu lỗ.

Nguyên nhân là phải mua nguyên liệu giá cao và phải đền nhiều hợp đồng do giao hàng không đúng thời hạn. Hiện các nhà máy chế biến thủy sản trong nước chỉ hoạt động 40 - 50% công suất.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết: "Trước đây, thời điểm này mỗi doanh nghiệp có hàng tấn tôm trong kho làm nguyên liệu, nhưng nay không còn. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, họ không có tôm để chế biến, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh".

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), nhấn mạnh, do không thể cấm được người nuôi tôm bán cho thương lái Trung Quốc mà chỉ cảnh báo, nên để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp cần có hợp đồng mua bán với những vùng nguyên liệu ngay từ đầu. Vasep cũng vừa đề xuất Bộ Công Thương đánh thuế từ 10 -25% giá trị đối với lô hàng tôm tươi xuất khẩu.

Tôm là sản phẩm chiến lược trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD (chiếm 37 - 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản) và đóng góp hơn 2% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tám tháng qua, xuất khẩu tôm đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ tôm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO