GDP không kéo nổi nền kinh tế

HẢI VÂN thực hiện| 04/11/2014 04:28

Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP năm 2014 ở mức 5,8%. Tuy có thể đạt được con số này, nhưng cả doanh nghiệp (DN), dân doanh và Chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới vực dậy được nền kinh tế đang trì trệ.

GDP không kéo nổi nền kinh tế

Chính phủ dự kiến tăng trưởng GDP năm 2014 ở mức 5,8%. Tuy có thể đạt được con số này, nhưng theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, cả doanh nghiệp (DN), dân doanh và Chính phủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới vực dậy được nền kinh tế đang trì trệ.

Đọc E-paper

* Năm 2014 sẽ khép lại sau hai tháng nữa, nhưng việc sản xuất, kinh doanh của DN vẫn rất khó khăn. Ông nói gì về điều này?

- Đúng là tình hình có cải thiện, nhưng khó là do sức cầu vẫn rất yếu, môi trường kinh doanh chưa tốt lên. Thậm chí, Việt Nam đã tụt 6 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), công bố tuần trước. Theo cách tính mới, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh thuận lợi năm 2015 của Việt Nam xếp thứ 78, so với vị trí 72 của năm 2014.

Khó khăn của DN còn thể hiện rõ ở số giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 9 tháng năm 2014, có đến 52.500 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng trên 13,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chưa có dấu hiện cải thiện, thị trường bất động sản (BĐS) cũng chưa giải quyết được các vấn đề nội tại. Tuy dư nợ cho vay BĐS hiện nay chiếm khoảng 8% tổng dư nợ ngân hàng, nhưng có đến trên 60% tài sản đảm bảo là BĐS và nó liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều thành phần trong nền kinh tế.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 12% sau hơn 1 năm triển khai. Thị trường vẫn giữ tâm lý chờ đợi những thay đổi trong dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản sắp được Quốc hội thông qua.

Xuất nhập khẩu chưa bền vững, bởi tăng trưởng chủ yếu là do điện máy, điện tử, kim loại quý. So sánh những DN FDI đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu thời gian qua, thấy rõ sự đóng góp của DN trong nước ngày càng giảm.

Theo Bộ Tài chính, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013; nhưng trong đó, xuất khẩu của DN FDI (không kể dầu thô) ước đạt hơn 67,2 tỷ USD, tăng 14,6%; xuất khẩu của các DN FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 73 tỷ USD, tăng 14,1% trong khi xuất khẩu của các DN trong nước chỉ đạt 36,64 tỷ USD, dù tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

* Ông bình luận thế nào về các định hướng Chính phủ trong việc giảm bớt khó khăn cho DN?

- Năm nay, Chính phủ đã quyết liệt hơn, ban hành Nghị quyết 01 ngay từ đầu năm. Chính phủ cũng ban hành 3 quyết định quan trọng về cổ phần hóa, thoái vốn và phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó phân rõ loại nào cổ phần hóa 100%, loại nào 70%, loại nào 50%..., cùng với các giải pháp cụ thể trong nghị quyết Chính phủ hằng tháng.

Tôi nghĩ đấy là những động thái tích cực, quyết liệt và sớm từ phía Chính phủ để hỗ trợ DN, thay vì năm 2012, đến tận tháng 5 mới có Nghị quyết 13, 14 còn năm 2013 là ngày 7/1.

Những vấn đề nội tại của năm nay Chính phủ đã nêu và các lời giải cũng đã có, vấn đề bây giờ là có làm hay không và làm ở mức độ nào. Chuyện tái cơ cấu nền kinh tế ai cũng biết phải làm nhưng tiến độ khá chậm.

Ba gói trụ cột đột phá: thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng cũng làm chưa được nhiều, chưa kể rủi ro xã hội, địa chính trị mỗi ngày một phức tạp hơn... Bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ phải hết sức quyết liệt, cụ thể và thiết thực, hiệu quả.

* Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế có những thuận lợi, nhưng theo ông lòng tin của DN có phục hồi theo đà này?

- Lòng tin được củng cố nhưng chỉ ở mức độ nhẹ. Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với 3.000 DN cho thấy, 27% cho rằng sẽ tăng quy mô hoạt động, 86% tỏ ra lạc quan hơn một chút so với trước đây. Hy vọng lòng tin sẽ khá hơn trong năm 2015.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GDP không kéo nổi nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO