Đừng để người chăn nuôi bị bắt chẹt

24/08/2011 08:03

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước - nói điều đáng lo là sự thiếu ổn định của ngành chăn nuôi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung, cũng như người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.

Đừng để người chăn nuôi bị bắt chẹt

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước - nói điều đáng lo là sự thiếu ổn định của ngành chăn nuôi đã gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung, cũng như người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.

Do thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức nên nhiều hộ chăn nuôi hiện nay thường xuyên bị bắt chẹt (ảnh chụp một hộ chăn nuôi gà ở TP.HCM) - Ảnh: H.T.V.

Ông Vũ Mạnh Hùng: "Tôi cho rằng phải xem người chăn nuôi là trung tâm của ngành chăn nuôi, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ hợp lý, từ việc phát triển nguyên liệu, chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất... thì ngành chăn nuôi VN mới có thể phát triển ổn định và bền vững"

Ông Hùng cho rằng:

- Việc để ngành chăn nuôi VN rơi vào tay các công ty nước ngoài hiện nay trước hết là lỗi của các doanh nghiệp VN, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây không phải là ngành yêu cầu công nghệ cao hay bí quyết gì quá cao siêu, nhưng doanh nghiệp trong nước không biết nắm bắt cơ hội, để các công ty nước ngoài chiếm lĩnh và áp đặt thị trường. Một phần do các doanh nghiệp nước ngoài có bề dày kinh nghiệm, họ có chiến lược rõ ràng và bài bản hơn.

Chẳng hạn, sau khi nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch tiếp thị, các công ty nước ngoài mới bắt đầu xây dựng nhà máy. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước xây dựng nhà máy trước rồi mới tính chuyện mang sản phẩm đi bán, tỉ lệ rủi ro và thất bại cao hơn nhiều. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng không tổ chức, quản trị tốt nên chi phí giá thành thường cao hơn so với sản phẩm cùng loại của các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên cũng không nên quá lo lắng chuyện các công ty nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, theo tôi, cái đáng lo nhất hiện nay là ngành chăn nuôi VN vẫn đang phát triển một cách bấp bênh, ảnh hưởng đến giá cả thực phẩm, gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung, trong đó có cả người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.

* Đâu là nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi thiếu ổn định, thưa ông?

- Sự thiếu ổn định của ngành chăn nuôi VN trong nhiều năm qua là hậu quả của việc thiếu sự quan tâm một cách đúng mức của Nhà nước đối với ngành này. Các chính sách hỗ trợ nếu có cũng chỉ là chạy theo mà chưa mang tính ổn định và căn cơ. Hàng loạt chính sách như hỗ trợ đền bù tiêu hủy vì dịch bệnh, tiêm phòng văcxin, hỗ trợ các công ty phát triển đàn giống gốc, tốn rất nhiều tiền nhưng hiệu quả không bao nhiêu, thậm chí còn làm phát sinh nhiều tiêu cực.

TS Nguyễn Dăng Vang (nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi VN):

Rất cần chính sách hỗ trợ tài chính

Cùng với việc xây dựng chiến lược phát triển ngành chăn nuôi, thời gian qua Nhà nước đã có không ít chính sách ưu đãi đầu tư cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng cần có nhiều giải pháp toàn diện hơn để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững và ổn định hơn nữa. Không ai làm chăn nuôi mà phải đi vay với lãi suất quá cao, nhưng doanh nghiệp trong nước hiện phải vay với lãi suất ngất ngưởng, làm sao có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực về vốn.

Hơn nữa, chăn nuôi công nghiệp đòi hỏi diện tích đất để làm trang trại phải lớn và xa khu dân cư, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường. Do đó, tôi cho rằng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi ở những vùng trung du, nơi có điều kiện thích hợp để phát triển chăn nuôi.

Một vấn đề nữa là năng lực quản lý của doanh nghiệp VN hiện nay không thể theo kịp các công ty nước ngoài cùng lĩnh vực, nên Nhà nước cần quan tâm đầu tư đào tạo nhân lực ngành chăn nuôi. Đây là quá trình lâu dài, bây giờ là lúc ta cần phải đầu tư, thúc đẩy việc này.

* Với một ngành chăn nuôi hiện đang nằm trong tay các công ty nước ngoài, các chính sách hỗ trợ nếu có liệu có tạo ra được sự ổn định cho thị trường hay lại tiếp tục “điệp khúc”: người chăn nuôi bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt?

- Có một thực tế hiện nay là không ai biết một cách chính xác giá thành đầu vào của một kilôgam gà hay heo là bao nhiêu, giá bán bao nhiêu là hợp lý... Mỗi khi cung giảm, giá xuất chuồng tăng thì người chăn nuôi hưởng lợi, trong khi người tiêu dùng bị thiệt hại. Ngược lại, khi cung tăng, người chăn nuôi bị thiệt hại và người tiêu dùng vẫn phải mua sản phẩm với giá cao... Trong rất nhiều trường hợp, người chăn nuôi phải mua con giống, thức ăn chăn nuôi với giá rất cao mà không biết kêu ai...

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy nếu hiệp hội người chăn nuôi đủ mạnh, tạo mối liên kết giữa người chăn nuôi, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và cung cấp con giống, các doanh nghiệp giết mổ và người tiêu dùng, thì không những ngành chăn nuôi phát triển ổn định hơn mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.

Tôi lấy ví dụ, nếu có một doanh nghiệp cung cấp con giống hay thức ăn chăn nuôi với giá cao, hiệp hội người chăn nuôi có thể đứng ra đàm phán, gây áp lực để doanh nghiệp đó xây dựng một mức giá hợp lý hơn, thậm chí có thể khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng con giống hay thức ăn chăn nuôi của những doanh nghiệp khác. Tương tự, khi đã kiểm soát được giá đầu vào, nguồn cung trên thị trường, giá đầu ra của sản phẩm cũng có thể kiểm soát được.

Do đó, theo tôi, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nhanh chóng thành lập hiệp hội chăn nuôi gia súc - gia cầm miền Đông, khu vực chăn nuôi lớn nhất cả nước, thật sự đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ này. Tuy nhiên, muốn hiệp hội này phát huy hiệu quả, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ thành lập trung tâm khảo nghiệm con giống và thức ăn chăn nuôi, trung tâm thẩm định giá thành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đừng để người chăn nuôi bị bắt chẹt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO