Dọn “rác” trên không gian mạng là việc của của tất cả bộ, ngành địa phương và nhân dân

Anh Phương *| 11/08/2022 09:55

Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia có khả năng xử lý 300 triệu tin/ngày, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Sáng 10.8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an.

Về vấn đề bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới.

Đối với việc hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và sẽ được ban hành trong quý III này sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) về những hạn chế trong lĩnh vực an ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng còn 5 vấn đề. Đó là hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong an ninh mạng chưa thực chất; thanh tra kiểm tra về an ninh mạng chưa hiệu quả, kịp thời; phần lớn nền tảng, dịch vụ OTT, ứng dụng mạng xã hội của các pháp nhân nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam; và còn nhiều sơ hở trong quản lý loại hình dịch vụ có nguy cơ mất an toàn về an ninh mạng như tiền ảo, kinh doanh sim rác, mở thẻ ngân hàng ảo…

“Bộ Công an sẽ đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý các vụ việc đồng bộ; hoàn thiện hành lang pháp lý; nâng cao trình độ, phương tiện của lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao”, Bộ trưởng cam kết.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin sai sự thật chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. “Nghị định về quản lý một số nền tảng xuyên biên giới sắp được sửa đổi, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để giải quyết vấn đề này”, ông nói.

Về kết quả bóc gỡ thông tin sai sự thật, ông Hùng cho biết trước năm 2018, các cơ quan mới làm 5.000 tin, video. Nhưng đến nay thông tin sai sự thật được tháo gỡ đã là 20.000 tin. Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật có khả năng xử lý 300 triệu tin/ngày. Các nền tảng như Facebook, Youtube cũng đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước về xử lý thông tin không phù hợp từ dưới 20% năm 2018 lên đến 90-95% hiện nay.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ này đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận xử lý các tin giả; đồng thời soạn thảo, đề nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương, cơ quan xử lý “rác” thuộc lĩnh vực mình quản lý.

"Việc dọn rác trên mạng không chỉ là việc của Bộ TT-TT, Bộ Công an mà còn của tất cả bộ, ngành địa phương và nhân dân", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định. Bộ Công an và TT-TT có nhiệm vụ cung cấp công cụ, cơ chế tháo gỡ các tin sai sự thật; thanh tra, kiểm tra và xử lý hành chính vi phạm về đưa tin giả trên không gian mạng. “Đầu năm 2022, Bộ TT-TT đã xử lý hàng trăm vi phạm, một số vụ, việc có dấu hiệu hình sự đã chuyển sang Bộ Công an. Bộ TT-TT cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi, ứng xử, phát ngôn, các hậu quả có thể gây ra”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

                                                                                                                                                                 (*) Theo SGGP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dọn “rác” trên không gian mạng là việc của của tất cả bộ, ngành địa phương và nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO