Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 265 (ngày 16/10)

P.V tổng hợp| 14/10/2013 02:32

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có lượng hàng thủy sản bị khách hàng trả lại nhiều nhất, với tổng thiệt hại lên đến 14 triệu USD/năm.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 265 (ngày 16/10)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 265 (phát hành ngày 16/10) có các nội dung chính sau:

Chuyên đề

Thị trường bao bì: Vạn nhãn ruột, hai nhãn vỏ

Con số thống kê mới nhất của Euromonitor International (EUI) về ngành Thực phẩm và Đồ uống tại Việt Nam cho thấy, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống trên đầu người trong năm 2013 tiếp tục tăng trưởng và con số này không giảm cho đến năm 2017. Sự gia tăng này là tác nhân thúc đẩy nhu cầu về bao bì, trong khi về mặt thị trường, bao bì cũng là yếu tố quyết định đến sự cạnh tranh.

Về vấn đề này, ông Kamimura Yosuke, trưởng hòng Marketing công ty Kirin, cho rằng, khi khách hàng cân nhắc mua một sản phẩm, yếu tố quan trọng nhất là cách họ cảm nhận về sản phẩm thông qua bao bì. Kỹ thuật thiết kế và in ấn sẽ giúp cải thiện hình ảnh sản phẩm cũng như ảnh hưởng đến sự hiện diện của sản phẩm khi trưng bày tại các cửa hàng bán lẻ.

Chuyện làm ăn

Sagami: Gọi tên mì, condom trả lời

Omachi, rồi Kokomi và giờ đây là Sagami - xem ra Masan rất hài lòng với thành công của các dòng mì gói có phát âm giống tiếng Nhật. Nhưng vô tình hay cố ý, với thương hiệu Sagami, Masan sẽ đối diện với rủi ro khi đây là tên gọi của một thương hiệu... condom (bao cao su).

Thủy sản đuối với VietGAP

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có lượng hàng thủy sản bị khách hàng trả lại nhiều nhất, với tổng thiệt hại lên đến 14 triệu USD/năm, mặc dù Việt Nam đứng thứ 2 trong số những nước có nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Nguyên nhân là do các yếu tố đầu vào và quá trình sản xuất của nông dân, trang trại chưa được kiểm soát tốt. Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn) đối với ngành thủy sản, nhằm kiểm soát một cách hệ thống các mối nguy hại để đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Việc xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho thủy hải sản, áp dụng đúng theo quy chuẩn sẽ tạo được thương hiệu đối với nhà nhập khẩu và giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có 6 doanh nghiệp (DN) thủy sản lớn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. 

Nhà đất

Bồi thường phải là đền bù thiệt hại

Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp cuối năm nay. Nếu được thế, luật này cũng phải qua tới ba kỳ họp Quốc hội, một trường hợp ít gặp trong lịch sử lập pháp nước ta.

Tuy vậy, tại cuộc họp ngày 12/9/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vẫn có nhiều ý kiến yêu cầu chỉnh lý một số quy định về bồi thường cho người có đất bị thu hồi, đặc biệt về giá đất.

Theo Dự luật, bồi thường vẫn tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định (gọi tắt là giá đất nhà nước) sát với giá thị trường vào thời điểm có quyết định thu hồi đất. Vậy là chưa có sửa đổi đột phá, trong khi bồi thường chưa thỏa đáng là nguyên nhân trực tiếp đẩy mâu thuẫn về đất đai ở một số nơi trở nên rất gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 265 (ngày 16/10)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO