Trong buổi làm việc mới đây với Cục Báo chí. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, báo chí cách mạng phải là nơi phản ánh được dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực để từ đó tạo ra niềm tin, sự đồng thuận xã hội và khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Theo Bộ trưởng, phương Tây phát triển dựa trên sự hoài nghi, còn xã hội châu Á ngược lại, phát triển dựa trên niềm tin, niềm tin vào chế độ, vào lãnh đạo. Thực tế đã chứng minh điều đó thông qua chính kỳ tích chống dịch Covid-19 của người Việt Nam. Do vậy, báo chí cần làm tốt việc tuyên truyền để cho từng người dân Việt Nam hiểu được đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước để tin theo.
Các quốc gia phát triển chủ yếu dựa trên sự phát triển các tài sản vô hình. Đó là tri thức và sự sáng tạo. Sự sáng tạo lại thường được kích hoạt bởi khát vọng, lý tưởng. Sứ mệnh của báo chí là khơi dậy và lan tỏa nguồn sức mạnh tinh thần - sức mạnh góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc nhở những người làm báo muốn đổi mới, muốn đi xa thì phải giữ cái gốc, cái nền nhà mình - chính là các giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong xã hội tràn ngập thông tin với sự phát triển của công nghệ, của mạng xã hội thì báo chí không phân tích sâu sẽ không có giá trị nhiều. Báo chí làm tốt việc này thì chúng ta sẽ là người phân tích, phản biện chính sách, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng chính sách.
Vai trò của những người làm báo là rất quan trọng bởi đây là lực lượng tạo ra được sự kết hợp góc nhìn của người dân và của chuyên gia. Sự kết hợp này là độc đáo nhất.
Quản lý nhà nước có vai trò dẫn dắt
Trao đổi với cán bộ công chức, viên chức, người lao động Cục Báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quản lý nhà nước thì phải có tầm nhìn xa, dẫn dắt sự phát triển. Các vấn đề lớn của báo chí hiện nay phải được Cục đưa vào kế hoạch để tìm cách tiếp cận mới và giải quyết căn cơ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo một số vấn đề lớn để Cục Báo chí bổ sung vào kế hoạch hoạt động. Bao trùm là hoàn thiện thể chế để quản lý báo chí phù hợp với thời đại truyền thông số, lập kế hoạch sửa Luật Báo chí vào năm 2022.
Về chuyển đổi số, Cục Báo chí phải là nơi dẫn dắt, thúc đẩy quá trình này, xây dựng một nền tảng số giúp chuyển đổi số báo chí. Công tác quản lý báo chí hiện nay cũng cần phải có công nghệ để giám sát, phân tích số lớn, xu thế thông tin trên không gian báo chí, không gian mạng. Số lượng tin, bài đã nhiều đến mức không thể không dùng công nghệ. Đánh giá sự tuân thủ tôn chỉ, mục đích của một cơ quan báo chí cũng không thể làm nếu không có công nghệ. Cục Báo chí phải có một phó cục trưởng về công nghệ. Hơn lúc nào hết, quản lý nhà nước phải dùng công nghệ, phải kết nối để quản lý.
Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí Việt Nam
Hiện nay, hơn một nửa doanh thu quảng cáo trực tuyến thuộc về các nền tảng xuyên biên giới. Việc chia sẻ thông tin báo chí trên mạng xã hội khiến các tờ báo bị mất đi bản quyền. Cục báo chí phải đề xuất cách quản lý trong lĩnh vực bản quyền báo chí trên không gian mạng.
Ai đo lường và công bố số liệu đó cho quảng cáo thì người đó quyết định cuộc chơi. Báo chí Việt Nam hiện nay vẫn dùng công cụ đo nước ngoài, phụ thuộc đo lường này để thu quảng cáo thì Cục Báo chí có còn là người quản lý báo chí nữa không? Số lượt view vẫn là quyết định chứ không phải chất lượng view thì chất lượng báo chí sẽ đi theo hướng nào?
Mạng xã hội có phải tờ báo không? Thuật toán để đưa nội dung lên của mạng xã hội, của trang tin điện tử tổng hợp có phải tờ báo không?
Giải pháp nào để xử lý quảng cáo phản cảm, không đúng sự thật? Trách nhiệm cơ quan chủ quản ở đâu trong công tác quản lý báo chí?
Đó là những vấn đề Bộ trưởng đặt ra với Cục Báo chí để giải quyết trong năm 2021.
(Theo Vietnamnet.vn)