Doanh nhân là lực lượng chủ công nuôi đất nước (*)

Hồng Nga| 13/09/2021 06:00

Doanh nhân, doanh nghiệp (DN) có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, là lực lượng chủ công nuôi đất nước.

Doanh nhân là lực lượng chủ công nuôi đất nước (*)

Các doanh nhân, doanh nghiệp là lực lượng thực hiện các chính sách từ thiện, nhân đạo nhiều nhất hiện nay

Từ khi Đảng chấp nhận đa thành phần kinh tế, chúng ta mới có lực lượng doanh nhân hùng hậu như hiện nay, mới có đội ngũ doanh nhân trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. 

Tất cả những công trình mọc lên trên đất nước chúng ta sau đổi mới có đến không dưới 60% là do các doanh nhân, DN, các thành phần kinh tế tư nhân tạo ra. 

Đến đại hội lần thứ XIII, Đảng đã nâng lên một quan điểm mới hơn, đó là kinh tế tư nhân là động lực phát triển của đất nước. Đảng cũng đã đánh giá cao vai trò của các kiều bào từ nước ngoài và xem đây là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Chính nhờ vậy mà các doanh nhân, DN từ nước ngoài mới về đầu tư và hằng năm mang một lượng ngoại hối lên đến 18 tỷ USD cho đất nước. 

Chúng ta phải hiểu rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc đổi mới đất nước. Doanh nhân có vai trò rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân phải tôn vinh.

Cụ thể, các doanh nhân, DN và các hộ gia đình là lực lượng tạo ra của cải cho xã hội. Vì thế, lo cho các doanh nhân, lo cho các hộ gia đình chính là lo cho sự phát triển bền vững của đất nước. 

Họ cũng là lực lượng chủ công nộp ngân sách cho Nhà nước để nuôi bộ máy công quyền, công an và quân đội. Thực chất, Nhà nước chỉ lo bậc lương, ngạch lương còn tiền trả lương vẫn từ ngân sách nộp từ các doanh nhân, DN. 

Hiện nay, các DN, doanh nhân cũng chính là lực lượng thực hiện các chính sách từ thiện, nhân đạo. Chúng ta thật sự tự hào vì sự tham gia của các doanh nhân trong công cuộc chống dịch trên cả nước hiện nay. 

Doanh nhân cũng là lực lượng nòng cốt trong hợp tác kinh tế quốc tế. 

Các doanh nhân, DN cũng là nơi đào luyện những người làm kinh tế giỏi của đất nước. Hiện nay, làm kinh tế là cần thiết nhất, vẻ vang nhất. Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu từng nói: “Nếu không biết làm giàu, trí tuệ con người cũng chỉ là trí nhớ mà thôi”. 

Đất nước chúng ta nghèo vì doanh nhân chúng ta nghèo. Đất nước chúng ta yếu vì DN chúng ta yếu. Đất nước chúng ta chỉ có thể mạnh khi DN mạnh, doanh nhân mạnh, doanh nhân giàu. Vì thế, thước đo kinh tế đất nước là thước đo trách nhiệm với doanh nhân và hình ảnh của doanh nhân với đất nước. 

Doanh nhân là nơi cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý. Vì vậy, Đảng và nhà nước càng doanh nhân càng có lợi. 

Doanh nhân là một nghề nghiêm túc hà khắc. Nếu không có tài không làm được. Bài học thành công của các DN nước ngoài là phải làm chủ ở quốc gia và vươn ra thế giới mới thành công.

di-bo-gay-quy-hoc-bong-2-JPG-5136-163147

Các doanh nhân, doanh nghiệp TP.HCM tham gia chương trình đi bộ gây quỹ học bổng do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức

Những việc DN và doanh nhân Việt cần quan tâm:

Thứ nhất, muốn thành công, các DN và doanh nhân phải tính toán được cung cầu trong nước và quốc tế. Phải tính toán để làm chủ hoàn toàn cung cầu trong hiện tại và tương lai, như vậy mới có thể chiến thắng. 

Thứ hai, phải tìm mọi cách để giảm chi phí, giá thành sản phẩm trong sản xuất để làm chủ thương trường.

Thứ ba, DN là nơi cọ sát rất quyết liệt. Vì vậy, nơi đây cũng là nơi tập hợp nhân tài, đào tạo nhân tài, trọng dụng nhân tài. Lúc này, làm doanh nhân phải hội tụ các tiêu chuẩn: có tài (có tầm nhìn xa, có năng lực tập hợp người tài và làm ra được những sản phẩm có ích cho xã hội), có đức, có dân chủ và nếp sống văn hoá. Đạo đức con người bao giờ cũng toả ra bên ngoài bằng văn hoá, vì thế, ai có văn hoá người đó có đạo đức nhưng không có chiều ngược lại.

Thứ tư, làm doanh nhân phải bản lĩnh. Không có bản lĩnh không làm được. Bên cạnh đó, doanh nhân phải quyết đoán. Quyết đoán là dám nghĩ, dám làm những điều chưa có trong sách vở và chưa ai làm để làm thành công. Bản lĩnh doanh nhân là phải có bản lĩnh thiết lập trật tự mới có lợi cho người tích cực, bất lợi cho người tiêu cực. Có như vậy, đất nước mới có sức để bật để vươn lên. 

Thứ năm, phải hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với công nghệ 4.0. Thời đại hiện nay cho nhiều công cụ quản lý mà không cần mồ hôi, không cần phải ra nghị quyết… Con người chỉ tự giác hoàn hảo khi có công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nhân, DN phải tận dụng cơ hội vàng này để quản lý minh bạch nhất, rõ ràng nhất, chuẩn mực nhất.  

Thứ sáu, phải quản lý hệ thống chính trị với các tổ chức đảng, công đoàn, thanh niên và phụ nữ. Hãy coi những tổ chức chính trị này là chất xúc tác để DN làm tốt hơn. 

Nếu làm tốt những điều đó, doanh nhân Việt Nam sẽ vươn lên hơn nữa, giúp Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới.

(*) Trích phát biểu của TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn (12/9/2001 - 12/9/2021)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân là lực lượng chủ công nuôi đất nước (*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO