Doanh nhân hiến kế để TP.HCM tăng hạng chỉ số cải cách hành chính

P.V| 10/08/2022 06:00

Với một siêu đô thị như TP.HCM, mỗi một sự chuyển biến về thủ tục, cung cách phục vụ sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng TP.HCM mà còn với cả nước.

Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ trọng 25% GRDP. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Muốn vậy, Thành phố phải quyết liệt, rốt ráo giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có cải cách hành chính, môi trường đầu tư...

Cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN) là một trong những việc làm, hành động cụ thể của lãnh đạo TP.HCM khi thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết 131 của Quốc hội. Chủ đề năm 2022 "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN", một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP.HCM đối với công tác cải cách hành chính.

TP.HCM đang quyết liệt và rốt ráo thực hiện để nâng hạng PCI và PAR INDEX. Từ đầu năm 2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng TP.HCM đặt ra 10 chỉ tiêu trọng tâm về cải cách hành chính, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của thành phố thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 98% trở lên, giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo xuống còn dưới 4%...

-5291-1660036545.jpg
Cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN) là một trong những việc làm, hành động cụ thể của lãnh đạo TP.HCM

Theo kế hoạch, trong năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công của thành phố, kết nối cổng dịch công quốc gia về hệ thống xác thực, định danh của Bộ Công an. Mục tiêu của chính quyền thành phố là 100% thủ tục hành chính của TP.HCM có thể thực hiện mức độ 3 - 4. Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "Việc ứng dụng không phải cho đẹp mà phải phục vụ mục đích quản lý, điều hành TP.HCM khoa học, hiệu quả hơn. Các sở ngành đều bắt buộc tham gia theo quy định chung và phải mang lại hiệu quả từ cấp quản lý cho đến người dân".

ThS. Nguyễn Hoàng Dũng - chuyên gia kinh tế cho rằng, lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực kinh tế phức tạp nhất, đồ sộ nhất, nhiều văn bản pháp quy nhất. Quốc hội cũng vừa chỉnh thêm hành lang pháp lý mới qua Luật Đất đai sửa đổi. Nhiều tiến bộ đã được Bộ Chính trị có chỉ đạo mới, Chính phủ cũng đã tiếp thu và đang gấp rút triển khai. "TP.HCM thời gian qua cũng có nhiều vụ việc liên quan bất động sản đã nổi lên. Lãnh đạo thành phố và các sở chuyên ngành liên quan cũng đã và đang tiếp tục tích cực tháo gỡ những khó khăn, ách tắc. Hy vọng từ nay đến cuối năm, DN TP.HCM sẽ thoát được cơ bản khó khăn kép là đại dịch và thủ tục đầu tư, thu hút nguồn lực để thành phố tiếp tục giữ vững được vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước", ông Dũng kỳ vọng.

Tham gia tọa đàm bàn tròn "Làm thế nào để TP.HCM tăng hạng chỉ số cải cách hành chính và là đầu tàu kinh tế của cả nước" do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 7/8/2022, nhiều doanh nhân đã có những ý kiến thiết thực từ nhiều góc độ:

ThS. Nguyễn Hoàng Dũng - chuyên gia kinh tế:

a.jpg

Tôi ví dụ, ông Bộ trưởng nói, doanh nhân, cán bộ nhà nước ở dưới nghe. Nghe xong, tưởng rằng có thể làm liền, nhưng thường nó có độ trễ. Ông Bộ trưởng nói xong phải đưa ra giải pháp chứ đã có nghị định, nghị quyết rồi, thông tư hướng dẫn rồi. Ông Bộ trưởng muốn bỏ cái cũ, làm cái mới, nhưng không có cơ sở nào để ông bỏ được cái cũ, bỏ bớt cũng không dễ. Ông Bộ trưởng ấy chưa có chỉ đạo để hướng dẫn kịp thời nên đề xuất là phải có chuyển đổi số sớm để giải quyết nhanh. Phải nhanh chóng hơn trong thủ tục hành chính, phải tháo gỡ, phải sát sườn hơn với doanh nghiệp. Bộ trưởng vừa nói rồi, thì phải làm lẹ, họp xong là đưa ra chỉ đạo ngành dọc ngành ngang theo mẫu mới, quy trình mới thì cán bộ họ mới biết làm, làm lẹ.

Cán bộ phải đi kiểm tra mấy ông bà cấp dưới, thấy làm hồ sơ, thủ tục cho dân chưa hợp lý phải đề xuất sửa đổi thì cải cách hành chính mới lẹ. Thủ tướng với Bộ trưởng chỉ đạo xuống thì chủ tịch thành phố, chủ tịch tỉnh phải chỉ đạo thực hiện ngay, tức cán bộ phải trực tiếp thấy và nghe người dân, doanh nghiệp phản ánh những trễ nãi trong thủ tục hành chính mà xử lý thật nhanh, sau đó báo cáo lên cấp trên.

Phải có quy chế kỷ luật những cán bộ, công chức cố kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính để "hành dân", làm khó người dân. Mà phải xử lý kỷ luật công khai, thật nghiêm thì công chức mới chịu giải quyết nhanh các vấn đề mà người dân và doanh nghiệp yêu cầu.

Sau đây là 9 giải pháp đột phá và bền vững để TP.HCM trở thành đầu tàu kinh tế QG / RCEP (nhiệm kỳ 2021-2026):

1. Hồ sơ năng lực kinh tế và doanh nghiệp TP.HCM trong 30 năm qua và 20 năm tới để chào mời đối tác trong và ngoài nước.

2. Thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển về siêu đô thị mới, hệ sinh thái đô thị mới, mô hình kinh doanh mới, các mô hình nghiên cứu và học tập mới và các hệ thống quản trị mới.

3. Quy hoạch lại hệ thống trường đại học ứng dụng chất lượng cao và trung tâm nghiên cứu, phát triển của mạng lưới giáo dục đại học toàn quốc và quốc tế (mở thêm một số ngành đào tạo mới, ít nhất là ba ngành: ngoại giao FTA, con người FTA, chuyên gia FTA).

4. Thành lập trung tâm mô hình hóa công nghệ cao của thế giới, tập hợp những đặc trưng cốt lõi của những mô hình tiên tiến để các thế hệ thành phố học tập, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và có khả năng nghiên cứu ứng dụng cho các địa phương khác với tính khả thi cao nhất.

5. Thành lập các khu công nghiệp liên hợp cao cấp về chế biến nông thủy sản chất lượng cao có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính, chọn những sản phẩm đặc trưng (ví dụ OCOP, GlobalGAP) để triển khai trước.

6. Trung tâm chuyển đổi số đột phá nâng cấp doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững.

7. Trung tâm cung ứng dịch vụ chuyên gia (quốc gia, khu vực và quốc tế); trung tâm dự báo và xử lý rủi ro toàn thành.

8. Trung tâm nghiên cứu và phát triển về lãnh đạo và phát triển bền vững thành phố và các vùng liên kết; sàn điện tử về hiến kế và xử lý giải pháp hiến kế của giới chuyên gia hàng đầu, kể cả chuyên gia quốc tế.

9. Lập quỹ khai thác hiến kế và sử dụng tích cực, công khai, có báo cáo minh bạch.

----------------------------------

TS. Nguyễn Mạnh Hiền - Giảng viên Trường Đại học UBIS (Thụy Sĩ):

b.jpg

Muốn phát triển kinh tế thì phải "cởi trói" về hành chính, làm thế nào để doanh nghiệp FDI trình giấy phép buổi sáng, buổi chiều đã được kê khai nộp thuế, rồi liên kết với các khế ước tín dụng, mà chỉ qua online thôi. Kiểm tra năng lực hành vi, thậm chí kiểm tra một số tài sản để thế chấp, online hết, chỉ cần gõ phím là ra chủ tài sản, có thế chấp hay không, được giải quyết hay không. Muốn vậy phải phân quyền. TP.HCM nên lập một ban đứng mũi chịu sào cáng đáng về cải cách hành chính, tất nhiên là phải xin ý kiến cấp trên và phải có hành lang pháp lý để có cái quyền độc lập tương đối. Chỉ thực hiện điều đó ba năm thôi, theo tôi TP.HCM có thể tự quyết một số vân đề mà 62 Bí thư, 62 Chủ tịch thành phố và tỉnh khác có thể tham khảo cách đột phá để hanh thông thủ tục hành chính như ở thủ đô Paris của Pháp.

Cho TP.HCM làm như vậy nhưng phải vừa thí điểm vừa hỗ trợ để cải cách thủ tục hành chính thực chất. Chẳng hạn, một ngày thay vì một tuần để mở đăng ký đầu tư; thay vì sáu ngày, năm ngày như hiện nay chỉ còn ba tiếng đồng hồ để cấp hộ chiếu...

Chuyên gia nào đó được mời để cố vấn cho Chủ tịch Phan Văn Mãi làm thế nào để thay đổi cơ cấu kinh tế của TP.HCM trong ngắn hạn 5 năm rồi kế hoạch dài hạn 10 năm thì tốt quá. Mũi nhọn kinh tế TP.HCM là gì, có thể 1,5% nông nghiệp kéo thành 3%, 5% hay không. Có thể đẩy mạnh đánh bắt hải sản ở Cần Giờ hay không, khai thác cảng biển bằng dịch vụ hay là thủ hộ tài chính; doanh thu du lịch phải hỗ trợ cho nền kinh tế dịch vụ.

Cần có đối thoại giữa lãnh đạo với dân, có đối thoại mới có phản biện thật sự để xây dựng chính quyền vững mạnh, vì dân, do dân. Và muốn có tương lai tốt cho thành phố thì phải có cương lĩnh phát triển. Tôi gọi "cương lĩnh" tức là nó trên chiến lược một bậc mà còn phải có tính cấp thời để hành động, sau đó thứ nhất là chuyển dịch lại một lần nữa cơ cấu kinh tế đã xác định các mũi nhọn và xác định nguồn lực để thực hiện, hai là cử ra được ban đứng mũi chịu sào mà tôi tạm gọi "ban đổi mới" bàn chiến lược phát triển kinh tế. Ban đổi mới kinh tế giúp việc trực tiếp cho ông chủ tịch thành phố trong việc ban hành các quyết định và kiểm tra giám sát việc thực thi và xử lý các vấn đề phát sinh về hành chính. Đương nhiên người của ban đó phải có lương và được quyền tuyển dụng cố vấn. Ba là cái ban đó thông qua các cố vấn đề nghị ông chủ tịch thành phố mỗi một tuần phải có ít nhất một buổi đối thoại với từng đối tượng quần chúng.

Phải thay đổi căn cơ về giáo dục, nhất là đề xuất các chương trình đào tạo liên kết rồi chỉ đạo tổ chức thực hiện. Bắt đầu từ những lớp nhỏ trước, ví dụ như kỹ năng để phong lãnh đạo, kỹ năng giải phóng phụ nữ, kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phát ngôn, kỹ năng đàm phán...

----------------------------------

Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững:

c.jpg

Muốn cải cách thủ tục hành chính, trước hết phải cải cách từ con người, là những viên chức, cán bộ, công nhân viên. Phải ứng dụng chuyển đổi số để nắm được tất cả thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp. Khi có thông tin mới liên quan đến doanh nghiệp cần cập nhật được rồi hướng dẫn họ giải quyết.

Nên tái cấu trúc và rà soát theo kiểu ngành nghề, sau đó áp dụng chuyển đổi số cụ thể vào từng nhóm ngành nghề một cách triệt để và chặt chẽ, linh hoạt.

Khi có dự án đầu tư mới, Nhà nước nên đưa ra những thông tư hướng dẫn để doanh nghiệp phát triển những ngành nghề đó dễ triển khai. Đặc biệt, các nguồn vốn chất lượng cao như Mỹ và châu Âu đến Việt Nam chủ yếu là ngành nghề về năng lượng tái tạo. Nếu không đón đầu bằng những thông tư, sau này các doanh nghiệp TP.HCM lại chậm trễ đánh mất thời cơ.

Muốn chuyển đổi số toàn diện và triệt để thì nên tái cấu trúc mà rà soát theo kiểu ngành nghề ví dụ như lĩnh vực giáo dục, vướng mắc chỗ nào thì rà soát lại, sau đó áp dụng chuyển đổi số cụ thể vào từng nhóm ngành nghề một cách triệt để và chặt chẽ, linh hoạt.

Phải thay đổi tư duy theo kiểu nhà nước quản lý hết, thay vào đó là có những cái phải để cho người dân, cho doanh nghiệp chung tay làm. Đó là xã hội hóa trong quản lý hành chính. Chẳng hạn như phần mềm tiếp dân, nếu Nhà nước chưa đủ nguồn lực để làm thì cho doanh nghiệp đấu thầu một cách minh bạch và kiểm tra chất lượng, tránh dựa trên lợi ích nhóm và những quen biết. Muốn minh bạch phải đưa ra các tiêu chí và quá trình thực hiện phải có cơ quan giám sát độc lập.

Cần có thêm phần mềm cho người dân mình có thể kiểm tra chất lượng mọi ngành, hoặc là sản phẩm, một cách công khai. Vì hiện nay lực lượng kiểm soát còn quá mỏng, không sát sao được hết trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Như vậy, không chỉ doanh nghiệp phải chú trọng trong chất lượng sản phẩm, mà cơ quan nhà nước cũng đỡ hơn trong việc quản lý, giám sát.

Về môi trường FDI, có 5 điều Thành phố cần làm. Thứ nhất là phải kế thừa cái điểm hay; Thứ hai là phải đột phá linh hoạt; Thứ ba là liên kết sáng tạo; Thứ tư là tự chủ, hiệu quả và thứ năm là phải phát triển bền vững, toàn diện.

Đặc biệt, phải lấy liên kết vùng, tạo nền tảng, liên kết chuỗi. TP.HCM đã liên kết với các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam nhưng làm sao để liên kết cho nó hiệu quả. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất là nhiều tiềm năng nhưng nhiều năm qua nhiều chục năm qua không khai thác được, đã bị "bỏ quên" nên thành phố nên liên kết để cân bằng giữa các thế mạnh và điểm yếu của các địa phương để hỗ trợ nhau phát triển.

Cuối cùng, TP.HCM muốn vươn lên là đầu tàu kinh tế, muốn hội nhập thành công thì trước tiên doanh nghiệp và hội nhập thành công mà doanh nghiệp muốn hội nhập thành công thì bắt buộc phải biết kiến thức FDI, kiến thức về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thực tế, có nhiều hiệp định thương mại nhưng doanh nghiệp thật sự không biết. Nên chăng, phải có cơ chế và trở thành một tiêu chí của những doanh nghiệp muốn xuất khẩu hay muốn hội nhập.

Hiện Thành phố đang xây dựng trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam TP.HCM, nên phải đưa vào chương trình mà giáo dục về quản trị tài chính từ rất sớm vì đa số người dân và doanh nghiệp còn lỗ hổng rất lớn về lĩnh vực này.

----------------------------------

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình:

d.jpg

Cần thiết phải thành lập một cơ quan giúp đỡ cho doanh nghiệp và người dân giải quyết được các vấn đề vướng mắc của họ trong rất nhiều hoạt động kinh tế. Có thể đưa vào trong dịch vụ của Chính phủ điện tử, thay vì doanh nghiệp và người dân khi cần giải quyết vấn đề nào đó thì phải đến trung tâm này, trung tâm nọ thì Chính phủ điện tử sẽ là nơi tập trung thông tin tư vấn đầy đủ các dữ liệu và rất là thông minh để có thể đưa ra giải đáp cho người dân, cho doanh nghiệp những cái vấn đề mà họ cần giải quyết.

Muốn vậy, phải xây dựng một trung tâm dữ liệu rất đồ sộ, rất đa chiều và phải có một cái hệ máy tính đủ mạnh để xử lý nhanh, phải khai được cái thành tựu mới nhất của công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp và người dân hiện nay cần thông tin minh bạch, công khai của Nhà nước, tất cả thông tin về đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị, giáo dục, y tế, vấn đề xã hội... là nhu cầu mọi người mong muốn được biết và thành phố có Chính phủ điện tử với trung tâm dữ liệu đầy đủ như vậy sẽ giúp cho người dân, cho doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề của họ kịp thời nhất, nhanh chóng nhất.

Song trung tâm đó phải được đầu tư với đầy đủ thông tin và rất công khai, minh bạch, có khả năng giải đáp và giải quyết luôn nhu cầu cũng như vướng mắc một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Vì thế, chỉ có Nhà nước và thành phố mới xây dựng được chứ nếu bàn đến xã hội hóa thì rất khó.

Riêng xây dựng thì hiện nay đây là một cái ngành đang phát triển rất mạnh ở Việt Nam, nhưng nó đang có sự mất cân đối về cung cầu mà nếu như không có một chiến lược quốc gia nói chung và TP.HCM nói riêng thì Việt Nam sẽ để mất một cơ hội rất lớn. Vì vậy cần có một chiến lược tổng thể về ngành này để xuất khẩu được thu về nguồn ngoại tệ lớn, đồng thời xây dựng phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của những ngành liên quan (hệ sinh thái liên quan), từ đó tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế.

----------------------------------

Ông Văn Công Thật - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cần Giờ, Tổng giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọ:

e.jpg

Hiện nay, doanh nghiệp đang cần vốn để mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, muốn mở rộng thì doanh nghiệp đã đầu tư hết tất cả tâm huyết, kể cả tài sản đã đầu tư đâu vào đó rồi, không còn tài sản để thế chấp và lại là không có cái gì để chứng minh được. Như vậy, chỉ có cách là chủ doanh nghiệp phải cam kết và việc đẩy nhanh hệ thống ngân hàng số thì sẽ nắm được dòng tiền của doanh nghiệp đi đâu, hiệu quả kinh tế ra sao. Như vậy, ngân hàng có thể mạnh dạn cho vay. Qua công nghệ số, ngân hàng có thể kiểm soát được sản lượng, dòng tiền đi ra, đi vào. Nếu thấy doanh số không còn tăng trưởng nữa thì lúc này ngân hàng xem lại và ngân hàng buộc là phải giám sát liên tục. Đó là hiệu quả nhất để tạo được nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Riêng thủ tục về đất đai để sản xuất kinh doanh, thành phố cần được giao cơ chế tự chủ. Khi đó, thành phố sẽ đưa ra những quy hoạch cụ thể, chọn những khu đất có sẵn để doanh nghiệp đầu tư. Như thế, các doanh nghiệp cũng đầu tư một cách trọng tâm và không hoang mang. Hiện chúng ta đang chiếm đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tự chủ nguồn đất để sản xuất kinh doanh cũng là cần thiết. Vì thế, muốn chuyển đổi mục đích thì phải có quy hoạch, nếu thành phố có cơ chế riêng thì lúc đó thành phố mạnh dạn cho doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi doanh nghiệp có mặt bằng để sản xuất kinh doanh, thì sẽ tạo ra một việc làm được cho người dân, tạo cho phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều sản phẩm làm ra cho xã hội.

----------------------------------

Bà Nguyễn Thùy Trúc Linh - Giám đốc Công ty Golden Bell Corporation:

f.jpg

Việt Nam đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều và phải đồng bộ từ cấp ở trên xuống chứ một cá nhân nào cũng không làm được. Thành phố cần sớm có chiến lược quy hoạch tổng thể các khu vực và lĩnh vực kinh tế trọng điểm, trọng tâm, hoặc các vùng lân cận với nhau.

Hiện nay, việc cải cách thủ tục cần nhanh và tập trung vào từng lĩnh vực và cần đồng bộ hóa bằng các cải cách hành chính, giấy tờ, thủ tục. Tất cả phải rõ ràng, công khai chứ không phải mập mờ.

Ứng dụng chuyển đổi số giảm nhiều thủ tục hành chính, không phải đi lại quá nhiều, không cần tới tận nơi. Vậy phải làm sao để hạn chế việc đi lại? Người dân có thể nộp online, có thể giải quyết hết tất cả vấn đề hành chính online. Song dù triển khai trên quan điểm nào thì tất cả đều xuất phát từ nguyên tắc "Lấy người dùng làm trung tâm trong cải cách thủ tục hành chính".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân hiến kế để TP.HCM tăng hạng chỉ số cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO