Doanh nghiệp không thể “đi” một mình mà phải “đi” cùng nhau

Trường Sơn| 20/12/2020 02:41

Để vượt qua khó khăn hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo, họ không thể đi một mình mà phải đi cùng nhau, TS.Trần Quang Thắng khẳng định như vậy tại hội thảo khoa học về kinh tế, do Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM (KHKTQL) vừa tổ chức.

Doanh nghiệp không thể “đi” một mình mà phải “đi” cùng nhau

TS. Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phát biểu tại hội thảo

Kinh doanh trong điều kiện …“8 không”!

Không chỉ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, doanh nghiệp còn gặp phải nhiều vấn đề khác. TS. Phan Ánh Hè- Học viện Hành chính Quốc gia đã tập hợp và đánh giá tổng quát các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh, kết quả cho thấy còn quá nhiều điều kiện kinh doanh với “8 không”, đó là: Không rõ ràng, không đầy đủ, không hệ thống, không hợp lý, không minh bạch, không tiên liệu trước được và không hiệu lực, không hiệu quả.

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, theo TS. Phan Ánh Hè, vẫn còn không ít những điểm nghẽn, làm tăng thêm rủi ro, chi phí và hạn chế đáng kể quyền tiếp cận cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.  Đơn cử như dự chồng chéo, chèn lấn của nội dung các luật về ngành kinh doanh đối với Luật Doanh nghiệp, làm hạn chế và giảm đáng kể quyền tự do kinh doanh của họ. Cụ thể: Luật và các quy định chuyên ngành thường thêm các quy định làm hạn chế hoạt động của doanh nghiệp trong một số ngành, nghề; áp đặt các điều kiện kinh doanh chuyên ngành, dựng thêm các rào cản gia nhập thị trường của doanh nghiệp; áp dụng các thủ tục đặc biệt và riêng biệt đối với giải thể và phá sản các doanh nghiệp trong một số ngành nghề”.

Không chỉ  TS. Hè mà cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, các chính sách, luật pháp ở Việt Nam thiếu ổn định, thường hay thay đổi gây bất lợi cho doanh nghiệp, thiếu minh bạch và không tiên liệu trước được. Bên cạnh đó, để có thể nắm được và thực hiện theo đúng pháp luật, người dân và doanh nghiệp phải tập hợp, nghiên cứu và “pháp điển hóa” quá nhiều các văn bản; số lượng các nghị định, thông tư, quyết định… (các bộ tham mưu, ban hành) thường lớn hơn rất nhiều so với các văn bản luật. Dường như các bộ chi phối và quyết định chủ yếu nội dung của các văn bản có liên quan, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành, dẫn đến không ít trường hợp, nội dung các văn bản hướng dẫn thi hành luật có khác biệt, không tương thích, thậm chí trái với nội dung tương ứng của luật; tạo ra sự không đồng bộ, bất nhất, thậm chí mâu thuẫn về nội dung giữa luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, giữa “luật trên giấy” và luật trong thực tế.

Cách thức hướng dẫn và thực hiện pháp luật như vậy tạo ra sự áp đặt hành chính từ trên xuống, hạn chế và thu hẹp phạm vi phát triển quan hệ chiều ngang, quan hệ thị trường giữa các chủ thể kinh doanh; sự không ổn định, nhất quán, thiếu minh bạch, không tiêu liệu trước được, tạo ra rủi ro pháp lý rất lớn đối với đầu tư, doanh nghiệp. Cơ chế xin – cho là môi trường màu mỡ cho hối lộ và tham nhũng.

di-cung-nhau-2-8222-1608379505.jpg

Các nhà khoa học trao đổi tại hội thảo

Cần xem văn hóa – tư tưởng là động lực phát triển

Với tham luận của mình, ông Phạm Chánh Trực- nguyên Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, cần xem văn hóa – tư tưởng là động lực phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho nền kinh tế nhiều lợi ích nhưng sản phẩm văn hóa tinh thần thì nghèo nàn, nhàm chán, đề cao chủ nghĩa cá nhân, làm cho con người và cộng đồng xã hội mất cân bằng, nghiêng lệch, thậm chí khủng hoảng đạo đức, lối sống và làm cho các quan hệ xã hội bị rối loạn. 

Ông cho rằng, một cuộc cách mạng văn hóa, tư tưởng, một cuộc cách mạng giá trị tinh thần và đạo đức xã hội là đòi hỏi bức xúc của thế giới ngày nay, để dẫn dắt thế giới vật chất, dẫn dắt chính cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khắc chế những mâu thuẫn chưa giải quyết được của thế giới đương đại. Trong tình hình này, nước ta đang có lợi thế là thừa hưởng tài sản vô giá của nền văn hiến mấy ngàn năm, của cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Chúng ta triển khai đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và cách mạng văn hóa tư tưởng, chắc chắn sẽ đi đến thành công.

TS. Trương Thị Minh Sâm- Chủ tịch Hội KHKTQL nhận định, Việt Nam đã có 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Thoát khỏi một nước nghèo nàn lạc hậu, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, chúng ta ngày càng có uy tín trên trường quốc tế… Sự khởi sắc và tiến bộ toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, quan hệ quốc tế … càng làm cho chúng ta vững tin vào con đường đã chọn. 

Tuy nhiên, TS. Sâm cho rằng, cần đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bộ máy thi hành pháp luật nghiêm minh. Một đất nước muốn phát triển, muốn nâng cao uy tín của mình trên trường quốc tế, muốn làm an được lòng dân, được dân tin yêu và ủng hộ thì phải có môi trường xã hội tiến bộ. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt quan trọng là vai trò của môi trường pháp luật phải lành mạnh, trong sạch. Bộ máy thực thi luật pháp phải nghiêm minh, phụng sự nhân dân một cách nghiêm túc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp không thể “đi” một mình mà phải “đi” cùng nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO