Ngỡ ngàng với trà sen - Vua của các loại trà

Trường Sơn| 09/12/2020 03:35

Trà sen được chế biến công phu hơn nhiều loại trà khác, nhờ đó mà vị cũng tuyệt hảo hơn. “Con đường để có được chén trà sen thật dài và quanh co như những nốt nhạc trầm bổng” - Th.S Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp khẳng định.

Ngỡ ngàng với trà sen - Vua của các loại trà

Tại hội thảo Văn hóa trà ở Việt Nam và thế giới do Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp tổ chức vào sáng 9/12, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã giúp người yêu trà hiểu thêm về quy trình công phu tạo nên một chén trà sen.

Công phu một chén trà sen

Trà hái xong không mang ướp hương ngay mà phải thực hiện theo một quy trình ủ, ướp đặc biệt, có khi từ 20 - 30 ngày nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà có độ xốp, sẽ hút được nhiều hương hoa nhất có thể. Một kilogram trà phải cần đến… 1.000 đến 1.500 bông sen để ướp.

Theo Th.S. Nguyễn Ngọc Thương, trong các loại sen ướp trà đãi khách, sen Tháp Mười được liệt vào loại thượng hạng. Xứ bưng biền đầm lầy hoang sơ, mùa mưa ướt sũng, mùa nắng chát phèn, bông sen to, sắc thắm, cánh mỏng, mùi hương thơm dịu chứ không gắt như một số loài sen trồng lấy hạt. Đồng tình với ý kiến này, Th.S Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp nói thêm: “Trà Thái Nguyên đem ướp với hương sen Tháp Mười, hái khi trời vừa hừng sáng, bông sen còn ngậm đẫm hơi sương, hàm tiếu, chúm chím, e ấp, mùi hương thơm nhè nhẹ, chứa đựng tất cả những gì được gọi là tinh túy nhất của đất trời, đọng lại trong khuôn vàng tươi sáng của đài và nhụy… không cần thử cũng biết là chất lượng hảo hạng”.

Quy trình ướp trà cũng tốn rất nhiều công phu. Các nghệ nhân sẽ để những hạt gạo sen rải đều lên trà, cứ một lớp trà, một lớp gạo sen, sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 7 - 9 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi ướp tiếp, sau đó được đem pha với nước mưa hứng từ mùa thu năm trước trữ lại, ủ kín trong các lu sành, đem ra nấu sôi, nhẹ nhàng tráng ấm, rửa trà, chế vào… Th.S Tuyên thích thú đặt câu hỏi : “Trà ngon - nước trong – hương sen ngan ngát, trên trời dưới đất, hỏi có gì hơn, có gì sánh kịp?”.

tra-1-JPG-7968-1607495509.jpg

Đại biểu tìm hiểu về trà sen trong hội thảo sáng ngày 9/12

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (KHXHNV) cho biết: “Trà sen được mệnh danh là vua của các loại trà trong văn hóa trà Việt Nam. Từ sen đã vượt ra khỏi nghĩa nguyên thủy là Hoa sen, trở thành một khái niệm triết lý đối với những người yêu trà”.

T.S. Nguyễn Khắc Cảnh, Khoa Nhân học, Trường Đại học KHXHNV cho rằng, trà ướp hoa sen là nét riêng văn hóa trà của người Việt Nam. Người Việt xưa có những cách ướp hương hoa cho trà rất độc đáo. Trà thường được ướp với nhiều loại hoa khác nhau, nhưng nổi bật nhất là trà ướp sen. Triều Nguyễn, dưới thời vua Tự Đức, người dân đã biết cách lấy trà, gói thành từng gói giấy nhỏ, sau đó thả vào trong từng bông hoa sen , khi đêm xuống, cánh hoa sen cụp lại, ấp ủ, những gói trà được thấm đẫm hương thơm của sen.

Trà là đối tượng nghiên cứu khoa học

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXHNV khẳng định: “Trà đã trở thành đề tài, thành đối tượng nghiên cứu cho các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… Ngay cả tên gọi “chè” hay “trà” cũng gây nhiều tranh cãi, theo quan điểm các nhà khoa học, chúng tôi thống nhất “chè” là tên gọi cây chè, còn “trà” là các sản phẩm từ cây chè”.

Cuộc tranh cãi về nguồn gốc chè cũng kéo dài cả trăm năm đến nay vẫn chưa chấm dứt. Khi tìm được bụi chè Trung Quốc đem về châu Âu thì Trung Quốc được xem là xứ sở nguồn gốc của cây chè. Nhưng 60 năm sau, các nhà khoa học lại phát hiện cả rừng chè hoang dại ở Ấn Độ, lúc đó họ lại cho rằng đây là nguồn gốc, nhưng rồi giới khoa học lại  tiếp tục tranh cãi khi tìm thấy các cây chè cổ thụ tại Việt Nam, Myanmar, Lào…

tra-2-JPG-5256-1607495509.jpg

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (trái) dành nhiều tình yêu cho trà sen - thức uống thanh cao, tao nhã và đậm truyền thống Việt

Nói về lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan nhận định: “Từ lâu, trà hiện diện như là một thức uống quen thuộc, gắn với đời sống của cư dân văn hóa nông nghiệp, một truyền thống lâu đời và lưu trữ nhiều giá trị từ văn hóa bản địa. Tuy nhiên, những ghi chép, nghiên cứu về trà đại diện cho thức uống, thì phần “ẩm” lại không nhiều, các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung đến phần “thực”. Vì vậy, việc nghiên cứu về trà rất quan trọng, cần tiếp tục thực hiện, nhằm nắm bắt các giá trị văn hóa và kinh tế của trà”.

Qua nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan đề xuất: “Phát triển trà sen thành một sản phẩm du lịch đặc thù trong phát triển du lịch ở Đồng Tháp. Ngoài ra, các nghiên cứu được trình bày tại hội thảo cũng cung cấp một số cách tiếp cận, lý luận và kiến giải cụ thể mang tính khoa học về văn hóa, du lịch, rất cần cho du lịch ở Đồng Tháp và cho các hướng dẫn viên du lịch ở miền Tây Nam Bộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngỡ ngàng với trà sen - Vua của các loại trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO