Doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho người dân TP.HCM

Vân Ly| 02/04/2020 07:00

Đó là chia sẻ của bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) với Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho người dân TP.HCM

Thời gian vừa qua, nhiều người dân hiểu chưa đúng Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nên đã mua sắm nhiều nhu yếu phẩm để tích trữ. Theo bà Lý Kim Chi, các doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đủ khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân như gạo, mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn và nước uống trong vòng một tháng, ngay cả khi Thành phố bị cách ly hoàn toàn với các tỉnh, thành khác.

Không thiếu hàng, người tiêu dùng không nên tích trữ

Thời gian gần đây, nhu cầu thực phẩm tăng một cách đột biến do người tiêu dùng lo lắng nên có tâm lý tích trữ hàng hóa, dẫn đến khan hiếm cục bộ một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, nui, thực phẩm chế biến sẵn… tại TP.HCM. Tuy nhiên, theo lý giải của bà Lý Kim Chi, nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng dẫn đến việc không có hàng trong một buổi chiều là do siêu thị chưa lường trước để đưa kịp hàng ra kệ, chứ không phải hàng bị thiếu.

sieuthi-4862-1585814653.jpg

Doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đủ thực phẩm thiết yếu cho người dân toàn TP. Do đó, người tiêu dùng không nên quá lo lắng, tích trữ quá nhiều hàng hóa. 

Theo FFA, nhiều DN sản xuất thực phẩm tại TP.HCM đang tăng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và tích trữ thực phẩm của người dân. Cụ thể, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) trong khoảng thời gian gần đây, lượng tiêu thụ đồ hộp của công ty tăng gần 100%, xúc xích tiệt trùng tăng 15-20%, hàng đông lạnh tăng trên 20% và Vissan đã chuẩn bị đủ nguyên liệu cho sản xuất đến hết năm. 

Hiện công ty phải tổ chức cho công nhân làm ba ca để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sản lượng sản xuất đến tháng 4/2020 đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống khoảng 70 tấn/ngày và từ 1.050 - 1.700 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 128 tấn/ngày, từ 1.921 - 2.262 tấn/tháng. Lượng hàng tồn kho tính đến ngày 31/3/2020 vào khoảng 1.148 tấn, sẵn sàng đáp ứng khoảng 39% nhu cầu tiêu thụ của Thành phố và 61% nhu cầu cả nước.

Hiện năng lực sản xuất các mặt hàng thực phẩm chế biến tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột mì đạt 185 tấn/ngày. Dự kiến đến hết tháng 4/2020, sản lượng sản xuất đạt 5.550 tấn. Lượng hàng tồn kho đến hết tháng 3/2020 còn 450 tấn.

Tại Công ty CP Sài Gòn Food, các mặt hàng thực phẩm chế biến như hải sản chế biến, hải sản đông lạnh, cháo tươi... đạt 30 tấn/ngày. Dự kiến sản lượng sản xuất đến hết tháng 4/2020 sẽ đạt 900 tấn. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho đến hết tháng 3/2020 còn 590 tấn, do đó, đảm bảo đáp ứng cả thị trường Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Box-1-2315-1585819624.jpg

Công ty CP Acecook Việt Nam cũng khẳng định có thể tăng hơn 30% so với bình thường. Hiện công ty vẫn sản xuất ổn định với công suất mỗi ngày đạt 860 tấn. Đến hết tháng 4/2020 sẽ đạt 20.500 tấn. Sản lượng tồn kho tính đến hết ngày 31/3/2020 là 1.600 tấn.

Sản lượng này không chỉ đủ đáp ứng 15% nhu cầu tiêu thụ của thị trường thành phố và 85% nhu cầu cả nước. Đồng thời, sẽ không tăng giá nên người tiêu dùng không nên quá lo lắng, tích trữ quá nhiều hàng hóa.

Gạo không bao giờ thiếu, DN tập trung sản xuất cho thị trường nội địa

Dù giá gạo đang có xu hướng tăng, nhưng các DN vẫn duy trì giá bán ổn định với sản lượng sản xuất tháng 4/2020 đạt 4 triệu tấn. Lượng gạo tồn kho lớn đạt gần 1,6 triệu tấn (chưa bao gồm lượng gạo tồn kho của một số thương nhân nhỏ chưa báo cáo và lượng tồn trong dân).

Các doanh nghiệp khẳng định Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu gạo. Sản lượng gạo không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước năm đến năm 2021, mà còn có thể phục vụ xuất khẩu với lượng tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Do đó, ngay cả khi Thành phố có phong tỏa thì “DN có thể đảm bảo cung cấp gạo trong 6 tháng cho người dân toàn thành phố”, bà Lý Kim Chi cho hay. Trong khi đó, Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) đã tạm cắt đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên sản xuất cho thị trường nội địa dù đơn hàng xuất khẩu tăng 300% so với trước. 

Ở nhóm hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, các DN cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục ổn định. Đơn cử, Công ty CP Ba Huân hiện mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm tăng 100%, đang thực hiện sản xuất từ 2-3 ca/ngày. Công ty này cam kết cung ứng đầy đủ với sản lượng tại miền Nam đạt 1 triệu trứng/ngày, tăng độ phủ trên diện rộng và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tương tự, Công ty San Hà nguồn cung cũng sẽ dồi dào và giá thịt gia cầm các loại như gà, vịt sẽ tiếp tục ổn định đến hết năm 2020.

Theo FFA, trước mắt nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời điểm hiện tại tăng 30-50% so với lượng thực hiện cùng kỳ, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố đến hết quý II/2020. “Vì vậy, đề nghị bà con cũng hết sức yên tâm khi mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.

Box-FFA-4351-1585819624.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho người dân TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO