Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019: TP.HCM muốn ra biển lớn phải có khát vọng cạnh tranh

Thảo Nguyên| 05/10/2019 01:00

Đó là ý kiến của TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) khi trao đổi về chủ đề “TP.HCM hướng đến việc trở thành trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019, sẽ chính thức được tổ chức vào ngày 18-19/10/2019.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019: TP.HCM muốn ra biển lớn phải có khát vọng cạnh tranh

Phát triển TP.HCM thành TTTC khu vực và quốc tế

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, định  hướng này hoàn toàn phù hợp với vị trí và vai trò của TP.HCM đối với các địa phương trong cả nước và trong khu vực. TP.HCM là đầu tàu kinh tế - tài chính - thương mại với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Đối với các nước trong khu vực ASEAN, TP.HCM là trung tâm của các đường bay đến thành phố trung tâm các nước ASEAN, trung bình chỉ cần hai giờ bay là đến. Tuy nhiên, nhiều năm qua, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển thành TTTC của khu vực nhưng chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Do đó, TP.HCM cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận, cần hướng theo sự biến động và xu thế tài chính của khu vực lẫn thế giới.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2019 (HEF 2019) sẽ diễn ra từ ngày 18-19/10 tại Trung tâm Hội nghị White Palace Phạm Văn Đồng, Q. Thủ Đức, TP.HCM, với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham dự của 900 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương; các cơ quan đại diện, cơ quan kinh tế - thương mại các nước; lãnh đạo Ngân hàng thế giới, các định chế tài chính quốc tế như IMF, IFC, ADB; các chuyên gia tài chính, lãnh đạo các trung tâm tài chính trên thế giới, các tập đoàn và doanh nghiệp trong và ngoài nước… 

Để đạt mục tiêu trở thành TTTC khu vực và quốc tế, TP.HCM cần phải hoàn thiện nhiều mặt. Tuy nhiên, hiện nay TP.HCM vẫn còn gặp phải với nhiều khó khăn. Đó là thị trường chứng khoán, tài chính của TP.HCM chưa có quy mô lớn. TP.HCM chưa có tầm nhìn xa với những mục tiêu tài chính ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Đặc biệt, thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cao; chưa có kế hoạch đầu tư, đào tạo lao động một cách bài bản, chắc chắn trong xu thế phát triển ngày càng cao...

TS. Vũ Thành Tự Anh cho hay, để xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm giao dịch tài chính khu vực và quốc tế, trước hết Thành phố phải xác lập vị thế TTTC theo định hướng khu vực, quốc tế. TP.HCM muốn ra biển lớn phải có khát vọng cạnh tranh với các TTTC trong khu vực, như với Singapore chẳng hạn. Đó là việc phải cải thiện môi trường kinh doanh như: cải thiện pháp luật, cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan, điều tiết thị trường theo hướng kinh doanh minh bạch... Ngoài ra, các chính sách quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng công nghệ... cũng cực kỳ quan trọng. Song hành việc cải thiện các chính sách trên, là việc phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ các thị trường...

Bên cạnh đó, TP.HCM còn cần tìm một số “thị trường ngách” để tạo sự khác biệt trong thị trường tài chính. Hiện nay, TP.HCM nằm gần các trung tâm sản xuất lớn nhất của cả nước về cà phê (Tây Nguyên, Đông Nam bộ), lúa gạo (Tây Nam bộ)... nên cần tập trung hình thành trung tâm giao dịch hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và các nước trong khu vực... Điều không kém phần quan trọng kèm theo là vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cao. Trong đó, cần đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan...

Hành trang ra biển lớn

Sáu tháng đầu năm 2019, trong khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,76%, thì tăng trưởng của TP.HCM là 7,61%. Năm 2018, TP.HCM góp 24,16% GDP, 35% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và gần 28% tổng thu ngân sách quốc gia. Những con số này cho thấy, TP.HCM thực sự có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Cùng với vai trò “đầu tàu”, TP.HCM ngoài việc tăng tốc, phát triển trên địa bàn; còn là động lực để “kéo” các địa phương quanh vùng và “kéo” nền kinh tế cả nước đi lên.

Không chỉ dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, TP.HCM còn là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc triển khai phát triển trung tâm giao dịch chứng khoán, hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế... Những mô hình phát triển này không chỉ là bệ phóng cho những bước đột phá tiếp theo của TP.HCM, mà còn là động lực phát triển cho các địa phương lân cận.

Tuy nhiên, những chuyển động chậm về cải cách thủ tục hành chính, về nâng cấp cơ sở hạ tầng... khiến TP.HCM dù còn nhiều tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết. Đó là tiềm năng trung tâm tài chính, thương mại của cả nước; là nơi tập trung phần lớn lực lượng khoa học, công nghệ của cả nước; là địa phương có khu vực kinh tế tư nhân năng động và lớn nhất, chiếm khoảng gần 40% cả nước; là nơi có nền kinh tế thị trường phát triển nhất và năng động nhất...

Đây là dịp TP.HCM lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước, quốc tế nhằm đánh giá thực trạng và triển vọng, cơ hội và thách thức cũng như tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối cơ hội hợp tác và đóng góp, đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong quá trình xây dựng, phát triển TP.HCM trong thời gian tới.

Với sự phát triển và tiềm năng sẵn có, TP.HCM có cơ hội phát triển thành TTTC, trước hết ở quy mô khu vực. Tất nhiên, TTTC TP.HCM không thể tách rời hệ thống tài chính cả nước. Cho nên, các cơ quan chức năng cần phải đánh giá kỹ những đặc thù tài chính cơ bản của TP.HCM như hệ thống ngân hàng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu... để tạo sức bật, đột phá cho TTTC TP.HCM trong tương lai. Lộ trình phát triển TTTC của TP.HCM cần được nghiên cứu kỹ và phù hợp với chiến lược phát triển của ngành ngân hàng cùng hệ thống tài chính do Chính phủ phê duyệt.

Đặt mục tiêu xây dựng TP.HCM thành TTTC của cả nước và khu vực, trên thực tế, TP.HCM cũng đang rất quyết liệt trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy mạnh kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025; tăng tốc công trình chống ngập; hoàn thiện quy hoạch đô thị... Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với các đề án đặt ra như trên, lãnh đạo TP.HCM đã lên kế hoạch thực hiện một cách quyết liệt. Dự kiến, đến cuối tháng 10/2019, TP.HCM phải hoàn thành đề cương chi tiết đề án “Xây dựng TP.HCM thành TTTC cả nước và khu vực” để thông qua Hội đồng nhân dân TP.HCM và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019: TP.HCM muốn ra biển lớn phải có khát vọng cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO