Đề phòng tái lạm phát

NGUYỄN LƯƠNG| 27/05/2009 05:15

Trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII (khai mạc ngày 20/5), các đại biểu đã quan tâm những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời khuyến nghị Chính phủ chú trọng đề phòng tái lạm phát.

Đề phòng tái lạm phát

Trong những ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII (khai mạc ngày 20/5), các đại biểu đã quan tâm những giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đồng thời khuyến nghị Chính phủ chú trọng đề phòng tái lạm phát.

Điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã linh hoạt trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điều hành phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái sâu và diễn biến khó lường, Chính phủ cần cẩn trọng, để có thể kiểm soát được tình hình lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 0,44% so với tháng 4, đưa CPI trong 5 tháng đầu năm 2009 tăng 2,12% so với tháng 12/2008 và tăng 11,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, CPI tháng 5 tăng là do các giải pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đã phát huy tác dụng.

Việc tăng giá điện và một số nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu cũng là nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng tăng giá. Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi những tác động của chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất tín dụng và nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn chặn khả năng lạm phát sẽ quay trở lại.

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế để phù hợp với tình hình mới. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%; chỉ số giá tiêu dùng từ dưới 15% xuống còn dưới 10%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 13% xuống còn 3%...

Đại biểu phát biểu tại Kỳ họp thứ V, Quốc hội Khóa XII - Ảnh: Kim Hoa


Tính kế phát triển bền vững hơn

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, nhưng phải tính toán để bắt nhịp nhanh khi kinh tế thế giới phục hồi. Trong lúc vừa giải quyết những khó khăn hiện tại, vừa tính đến chiến lược phát triển bền vững, cần khuyến khích các DN mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất, loại bỏ ngành nghề kém hiệu quả, phát triển các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các đại biểu cũng đề xuất giảm tối đa nhập siêu những mặt hàng tiêu dùng mà trong nước có thể sản xuất được, đặc biệt là hàng nông sản.

Đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009, nếu tích cực tháo gỡ những khó khăn, thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5%. Về mức bội chi ngân sách, nhiều ý kiến đề nghị được điều chỉnh ở mức không vượt quá 8% GDP tùy vào sự biến động của giá dầu thô; nhưng cũng có ý kiến cho rằng mức bội chi không nên vượt quá 7% GDP hay chỉ ở mức 6 - 6,5% GDP do lo ngại nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

Tổng nguồn vốn trái phiếu năm 2009 (kể cả 36.000 tỷ đồng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và gần 8.000 tỷ đồng của kế hoạch năm 2008 chuyển sang) là rất lớn, khoảng 64.000 tỷ đồng. Chính phủ cần tích cực giải ngân nguồn vốn này để kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tận dụng cơ hội giá vật tư trong nước và quốc tế đang dao động ở mức thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề phòng tái lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO