Đầu tư sản xuất khẩu trang vải quy mô lớn cần thận trọng

Anh Vĩnh| 11/04/2020 03:55

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới, nhưng để xem đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần hết sức thận trọng.

Đầu tư sản xuất khẩu trang vải quy mô lớn cần thận trọng

Dệt may là một ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt khoảng 39 tỷ USD, đứng thứ hai sau nhóm hàng điện thoại. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam sản xuất khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc sản phẩm mà thị trường thế giới yêu cầu.

Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép". Trong tháng 2/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc. Sang đến tháng 3/2020, khi nguồn cung được nối lại cũng là lúc dịch bùng phát ở Châu Âu, Hoa Kỳ khiến cho thị trường mua sắm gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp (DN) dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Theo thống kê của Cục Công nghiệp, chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Trên quy mô cả nước, ước tính sản lượng có thể lên đến 300 - 400 triệu chiếc/tháng. Khả năng sản xuất khẩu trang của DN Việt Nam là rất lớn, sản phẩm nhiều hình thức, mẫu mã đa dạng và thời trang.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, DN phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số DN đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ công nghệ trong nước.

Nhiều DN đã sản xuất các loại khẩu trang 3 lớp, 4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thể có thêm lớp vải kháng nước, chống giọt bắn. Một số sản phẩm được quảng cáo có thể chắn tia cực tím. Ngoài ra, còn có những loại khẩu trang có phủ muối, phủ tinh dầu tràm, cũng nhằm mục đích kháng khuẩn, diệt trùng.

Cục Công nghiệp cho rằng, sản xuất khẩu trang không chỉ trong mùa đại dịch Covid-19 mà còn đáp ứng nhu cầu trong tương lai và Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang lớn trên thế giới. 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng khuyến cáo DN cần tính đến một số yếu tố, như đánh giá nhu cầu khẩu trang vải sau dịch Covid–19; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải…

Ngoài ra, các DN cần lưu ý tranh thủ khai thác thị trường, nhưng để xem đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần hết sức thận trọng. Đã có một số DN thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư sản xuất khẩu trang vải quy mô lớn cần thận trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO