Đại biểu Quốc hội luôn đòi hỏi cao

29/03/2011 08:41

Sáng 28/3, Quốc hội họp phiên toàn thể để thảo luận tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII. Bên cạnh việc nêu các nhận định của cử tri rằng: “QH hôm nay đã không còn là những ông bà nghị gật”, đại biểu QH đã thẳng thắn tự kiểm những mặt hạn chế của QH như còn “bị động”, “cho gì ăn nấy”, “hiệu quả giám sát không cao”...

Đại biểu Quốc hội luôn đòi hỏi cao

Sáng 28/3, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể để thảo luận tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XII. Bên cạnh việc nêu các nhận định của cử tri rằng: “QH hôm nay đã không còn là những ông bà nghị gật”, đại biểu QH đã thẳng thắn tự kiểm những mặt hạn chế của QH như còn “bị động”, “cho gì ăn nấy”, “hiệu quả giám sát không cao”...

Đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM): “Chúng ta rất bức xúc trong vấn đề thuế thu nhập cá nhân nhưng vì Bộ Tài chính bảo rằng còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu cho kỹ nên chưa trình” Ảnh: VIỆT DŨNG

“Các phiên họp của QH thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn rất hấp dẫn đối với bà con cử tri” - luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói.

“Tranh luận thẳng thắn”

Luật sư Trừng nêu ra ba lý do khiến hoạt động chất vấn “hấp dẫn như vậy”: một, đã được sắp xếp tiến hành theo từng nhóm vấn đề nên các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn rất tập trung, không tản mạn; hai, chủ tọa đoàn đã chủ động gợi ý và tạo điều kiện cho các đại biểu QH chất vấn tranh luận sôi nổi; ba, nhiều đại biểu QH rất bản lĩnh, tranh luận thẳng thắn, mạnh mẽ, chân tình và xây dựng.

Theo đại biểu Lê Thị Dung (An Giang), chính hoạt động tích cực của đại biểu QH và các ủy ban của QH đã giúp Chính phủ chuẩn bị nhiều vấn đề, dự án tốt hơn. “Các báo cáo thẩm tra của các ủy ban với nhiều thông tin đa chiều trước các vấn đề như dự án Luật thủ đô, dự án đường sắt cao tốc, vấn đề Vinashin... rõ ràng đã giúp được các cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chuẩn bị cẩn trọng hơn, công phu hơn và thuyết phục hơn để trình ra QH cho ý kiến”.

Sớm sửa đổi Luật đất đai và thông qua Luật biển VN

“QH khóa XIII cần ưu tiên tập trung trí tuệ để chuẩn bị thông qua hai luật. Một là luật sửa đổi, bổ sung Luật đất đai bởi vì Luật đất đai hiện hành có những nội dung không còn phù hợp, đang cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là phát triển về nông nghiệp và nông thôn. Thứ hai là Luật biển, bởi vì Bộ Chính trị đã có nghị quyết kinh tế biển và khẳng định chúng ta sẽ đưa đất nước giàu lên từ kinh tế biển.

Tôi đề nghị QH nhiệm kỳ tới cần thông qua nghị quyết khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa và trên biển Đông”.

Luật sư NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG (đại biểu TP. HCM)

Nhiệm kỳ QH và những con số

- Trong nhiệm kỳ, QH đã tiến hành chín kỳ họp, thông qua 68 đạo luật, giám sát 159 báo cáo của cơ quan hành pháp và tư pháp, thực hiện bảy cuộc giám sát chuyên đề, thông qua 32 nghị quyết về các vấn đề quan trọng quốc gia.

- Ủy ban Thường vụ QH đã họp 39 phiên, thông qua 13 pháp lệnh, thực hiện chín cuộc giám sát chuyên đề, thông qua 70 nghị quyết về các vấn đề quan trọng.

- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH đã thực hiện 128 cuộc giám sát, tiến hành thẩm tra nhiều báo cáo, dự án, dự luật của các cơ quan Chính phủ.

(Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động của QH)

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) khẳng định: “Chính các hoạt động của QH thông qua không khí tranh luận dân chủ, thẳng thắn đã tạo nên sự phát triển tốt hơn và công việc điều hành đất nước có chất lượng hơn. Trong cách nhìn của cử tri, QH hôm nay không còn những ông bà nghị gật”.

Còn bị động, ít đòi hỏi

Tuy nhiên, nhìn vào điểm yếu của QH, đại biểu Ngô Minh Hồng - Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM - nói: “QH hoạt động còn bị động. Chẳng hạn, trong công tác phê chuẩn dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách đã sử dụng, tôi nhớ câu nói của Phó chủ tịch QH là “tiêu (dùng) thì đã tiêu rồi, nếu QH không thông qua thì không biết như thế nào”. Vấn đề dự toán ngân sách cũng vậy, dự toán ngân sách là tháng 8, tháng 9 các tỉnh đã làm việc với Bộ Tài chính rồi, bây giờ muốn tăng giảm phần trăm, muốn thêm bớt thì chắc cũng nói để mà nói thôi chứ cũng khó”.

Bà Hồng chỉ ra: cơ quan soạn thảo đưa ra cái gì thì chúng ta bàn cái đó, cái nào xong trước thì bàn trước, cái nào xong sau thì bàn sau... Đó là bị động. Ví dụ chúng ta rất bức xúc trong vấn đề thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là ở mức thu nhập chịu thuế, nhưng vì Bộ Tài chính bảo rằng bây giờ còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu cho kỹ nên chưa trình. Hiện nay QH trong trạng thái đưa món gì ăn món đó, có thể còn những món ngon hơn nhưng chúng ta không biết có món ngon hơn nên chúng ta không thể yêu cầu” - bà Hồng nói.

Muốn khắc phục tình trạng này, theo TS Trần Du Lịch (TP.HCM) thì QH phải thay đổi cách thức làm việc: “Ví dụ về ngân sách, chẳng hạn với các dự án, QH chỉ cần quyết cho tiền hay không cho tiền, nếu không cho tiền thì Chính phủ không làm được”. Ông Lịch đề nghị QH khóa tới nên ra hai loại nghị quyết như các nước vẫn làm: một loại là cưỡng chế thi hành, buộc Chính phủ phải làm. Loại còn lại mang tính khuyến nghị, nếu Chính phủ không thực hiện mà xảy ra vấn đề thì phải chịu trách nhiệm trước QH.

Đề xuất nâng Ban dân nguyện thành ủy ban

Đó là mong muốn của đại biểu QH khóa XII gửi tới QH khóa XIII. Để QH mạnh, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường điều kiện hoạt động cho các đại biểu như bộ máy giúp việc, phương tiện đi lại, không phân biệt đối xử giữa đại biểu chuyên trách ở trung ương và địa phương...

Băn khoăn lớn nhất được nhiều đại biểu QH thể hiện là vai trò của QH trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo và đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát còn rất mờ nhạt. “Cử tri nói nghe QH thảo luận thì rất sướng, nhưng sau đó dường như không thấy quyết cái gì để xử lý vấn đề gì cả” - TS Trần Du Lịch nói. Vì vậy, các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc), Nguyễn Đăng Vang (Bình Định), Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị QH khóa XIII nâng cấp Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH hiện nay thành Ủy ban Dân nguyện của QH. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề khiếu nại tố cáo và thực hiện kết quả giám sát.

Để công khai hoạt động, giúp cử tri giám sát đại biểu QH, các đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị công khai các cuộc biểu quyết ở QH để dân được biết đại biểu nào đã bỏ phiếu thông qua hoặc không thông qua một dự luật, nghị quyết, đề án nào đó. “Làm như vậy, cử tri vừa giám sát được người do mình bầu ra, đại biểu sẽ ý thức được trách nhiệm của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại biểu Quốc hội luôn đòi hỏi cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO