Cước vận tải giảm "nhỏ giọt"

09/07/2012 03:40

Xăng dầu giảm giá liên tục nhưng mỗi lần chỉ 600-800 đồng khiến doanh nghiệp vận tải "tiến thoái lưỡng nan" trong điều chỉnh cước. Nhiều hãng điều chỉnh giá hạ chỉ 300 - 500 đồng một km hoặc vài phần trăm.

Cước vận tải giảm

Xăng dầu giảm giá liên tục nhưng mỗi lần chỉ 600-800 đồng khiến doanh nghiệp vận tải "tiến thoái lưỡng nan" trong điều chỉnh cước. Nhiều hãng điều chỉnh giá hạ chỉ 300 - 500 đồng một km hoặc vài phần trăm.

Sẵn sàng cho việc giảm cước 300 đồng mỗi km vào sáng 3/7 thì lãnh đạo Taxi Vạn Xuân nhận được tin "xăng tiếp tục giảm 600 đồng mỗi lít".

Cước vận tải giảm nhỏ giọt theo xăng. Ảnh: Kiên Cường

Dù muốn giảm thêm cước, hãng này vẫn đành giữ nguyên quyết định vì toàn bộ bảng giá dán thành xe mới đã in, đồng hồ vừa điều chỉnh, lắp đặt lại, giấy phép cũng đã xin cơ quan chức năng xong...

Sau khi cân nhắc, Vạn Xuân dự định, đến ngày 9/7 sẽ giảm tiếp lần nữa, khoảng 400 đồng cho một cây số. Đại diện của Taxi Vạn Xuân cho biết, mỗi lần điều chỉnh giá cước khá vất vả và tốn kém.

Toàn bộ hệ thống xe phải ngừng hoạt động để lắp đặt lại đồng hồ, mời cơ quan quản lý đến kiểm tra, in ấn bảng giá... "Xăng hạ cước nhỏ giọt khiến chúng tôi rất bị động, giá xuống mỗi lần cũng chỉ vài trăm đồng", ông nói.

Cũng vì giá xăng giảm lắt nhắt nhiều lần nên một số doanh nghiệp vận tải chờ nghe ngóng tình hình trước khi "xuống tay" hạ cước. Giảm 300-400 đồng mỗi cây số, tùy dòng xe 4 hay 7 chỗ, cách đây khoảng chục ngày, ông Đào Vũ Minh Tuấn, Giám đốc taxi Mai Linh cho biết chưa có quyết định mới về cước sau đợt xăng giảm 600 đồng ngày 2/7.

Bởi hãng này vừa hạ cước, giá xăng dầu thời gian này còn biến động, chi phí, thời gian điều chỉnh đồng hồ mỗi lần khá tốn kém.

Tương tự, ông Đinh Quang Sáu, Chủ tịch hội đồng quản trị taxi Hương Lúa cho biết, so với bảng giá taxi tại Hà Nội, giá của hãng vẫn rẻ hơn 500 đồng mỗi km.

Trong khi đó, ngoài xăng, chi phí đầu vào những danh mục khác vẫn tăng, kinh tế khó khăn nên lượng khách giảm đi. "Nhiên liệu đang trên đà giảm giá nên chúng tôi chờ diễn biến tiếp mới điều chỉnh giá", ông nói.

Tại TP.HCM, các doanh nghiệp vận tải cho biết cước đã bắt đầu được điều chỉnh, tuy nhiên mức giảm và cách giảm của từng đơn vị khác nhau.

"Hiện nay tôi đã nhận được 6 đơn đăng ký giảm giá của các doanh nghiệp hoạt động trong bến xe. Mức giảm trung bình của các doanh nghiệp trên là 5-7% tùy theo tuyến, thời điểm đề xuất giảm giá cũng khác nhau", ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông nói.

Theo ông Hải, dù số đơn vị hạ giá là không nhiều, nhưng do việc cạnh tranh khá gay gắt ở bến xe này nên các lần tăng trước, doanh nghiệp cũng ít điều chỉnh theo, vì vậy khi giảm thì họ cũng giảm nhỏ giọt.

Ông Võ Thanh Tùng, Giám đốc Happy taxi thì cho biết các tuyến trong thành phố của Happy taxi không thực hiện hạ giá nhưng các đường chạy tỉnh thì hạ khá sâu từ nhiều ngày trước khi xăng giảm lần thứ năm.

Với các tuyến đi Bến Tre, cách đây 10 ngày, Happy taxi đã giảm 12%, Cần Thơ chiều về giảm 10%... lãnh đạo hãng cho rằng mức giảm là khá cao nên lần điều chỉnh xăng gần đây họ không thể tiếp tục hạ giá.

"Chạy nội thành, chúng tôi có khoảng 100 xe, trước đây khi xăng tăng mạnh, Happy Taxi không lên theo đồng mức nên các lần giảm gần đây công ty không giảm theo nhưng vẫn giữ mặt bằng giá chung với các đơn vị khác", ông Tùng phân tích.

Công ty TNHH giao nhận vận tải và thương mại Công Thành có cách làm riêng của mình với việc nhiên liệu lên xuống liên tục như năm nay.

"Công ty và khách hàng có ký hợp đồng trước khi vận chuyển, đa số họ là khách hàng lâu năm nên chúng tôi có thỏa thuận điều khoản là khi xăng lên, cước lên, xăng giảm cước giảm ngay", ông Trần Việt Hùng, quản lý mảng vận tải của Công ty Công Thành khẳng định.

Cách làm này khiến hai bên không mất thời gian thỏa thuận lại khi giá xăng dầu "nhảy múa". Công Thành hiện có hơn 100 xe vận chuyển container, mấy chục xe tải nhỏ, nếu giá xăng điều chỉnh, tình hình kinh doanh của Công Thành cũng ít bị ảnh hưởng.

Giá cước vận tải biển lần này cũng cho thấy tín hiệu tốt khi nhiên liệu hạ 5 lần liên tục. Đại diện Công ty TNHH Phát triển và thương mại Phú Thành Việt chuyên làm logistic cho biết hầu hết các tuyến đi nước ngoài đều giảm cước từ 5-7%.

Trong khi đó, ghi nhận trên thị trường cho thấy phụ phí xăng dầu tuyến đường biển cũng giảm đáng kể. Tháng 5, phí này là 85 USD một container, một tháng sau đó còn 82 USD và đầu tháng 7, con số này chỉ còn 65 USD.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng, sau 2 lần xăng tăng với tổng 3.000 đồng và 5 lần giảm liên tiếp với tổng 3.200 đồng thì cước taxi đã có thể giảm.

"Khi xăng lên, nhiều hãng nhích đồng hồ 500 - 1.000 đồng mỗi cây số thì giờ giảm tương ứng, hoặc thêm 300 đồng là hợp lý", ông nói.

Còn về các hãng xe khách, ông Hùng cho hay, thời gian qua, giá dầu diezel được điều chỉnh lên xuống song hầu hết các công ty không tăng, giảm giá. Theo đó, khó yêu cầu doanh nghiệp giảm giá. Song những đơn vị nào đã nhích giá theo xăng, dầu thời gian qua thì cần giảm để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho biết thêm, điều chỉnh cước vận tải không đơn giản như thay bảng giá thực phẩm, mà tốn nhiều chi phí, thời gian.

Theo đó, giá xăng giảm lắt nhắt có thể làm khó doanh nghiệp. "Chúng ta có quỹ bình ổn xăng dầu thì nên giãn đợt nhưng tăng số tiền giảm mỗi lần để ổn định thị trường", ông nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cước vận tải giảm "nhỏ giọt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO