Cơ chế vượt trội để phát triển xứng tầm

An Huy| 16/05/2023 07:00

Chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chủ động hơn trong quản lý đô thị và tài nguyên môi trường được kỳ vọng là một trong nhiều cơ chế, chính sách đặc thù giúp TP.HCM phát triển trong thời gian tới.

Cơ chế vượt trội để phát triển xứng tầm

Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ công bố nêu rõ, về mục tiêu phát triển, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

Cực tăng trưởng TP.HCM

Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định phát triển 4 vùng động lực gồm vùng động lực phía Bắc, vùng động lực phía Nam, vùng động lực miền Trung và vùng động lực đồng bằng sông Cửu Long, với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Hệ thống quan điểm của quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm hai nhóm quan điểm: phát triển quốc gia và tổ chức không gian phát triển quốc gia. Trong đó, "quan điểm phát triển" của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030 là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Từ thực tiễn phong phú và sinh động của địa phương được xác định là năng động nhất nước, trong suốt quá trình phát triển của mình, bên cạnh những thuận lợi thì TP.HCM cũng gặp không ít vướng mắc, từ cơ chế, chính sách cho đến một số hạn chế xuất phát từ chính nội lực của TP.HCM.

Với truyền thống "năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng cùng cả nước, vì cả nước", dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy và UBND TP.HCM, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ, ban ngành và cơ quan trung ương có liên quan, bằng rất nhiều hành động quyết liệt của các ngành, các cấp, mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, TP.HCM đã và đang ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn hồi phục với tăng trưởng, đặt trọng tâm vào những nhóm giải pháp cụ thể với những mục tiêu cụ thể.

Trong số rất nhiều giải pháp triển khai, có thể khẳng định rằng TP.HCM hiện làm tốt, có hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm, gắn phát triển bền vững với đột phá.

Là kiều bào có nhiều gắn bó với TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn, GS. Đặng Lương Mô cho rằng dự thảo nghị quyết mới (thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH) với sự chuẩn bị công phu đã trước tiên cho thấy tầm quan trọng và sau nữa là bao trùm nhiều lĩnh vực gắn liền với sứ mệnh giữ vững trọng trách xây dựng, củng cố TP.HCM là đầu tàu phát triển về mọi mặt.

Theo dự thảo nghị quyết mới, TP.HCM ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược ở 3 nhóm danh mục, gồm:

Thứ nhất, nhóm đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch.

Thứ hai, nhóm đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch.

Thứ ba, nhóm đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch.

Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực khoa học công nghệ, theo lời GS. Mô, một trong các "đòn bẩy" cho sự phát triển là quyết liệt triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới xây dựng đất nước thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. 

dau-tu-cong-minh-hoa-1671595098418516180

Đoàn đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài nghe giới thiệu về Khu Công nghệ cao TP.HCM trong khuôn khổ sự kiện "Họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Quý Mão năm 2023" do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức - Ảnh: N.Thọ

"Nguồn nhân lực, tài lực và tri thức kiều bào là vô cùng quan trọng", GS. Mô nhấn mạnh. "Đây là nguồn tài nguyên phong phú vô cùng quý giá. Do đó, vận dụng nguồn tài nguyên này trong quá trình xây dựng đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng, là việc nên làm".

Do đó, theo nhận định của GS. Mô thì tinh thần của dự thảo nghị quyết mới cũng đã chỉ rõ cánh cửa thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư, của kiều bào vào các lĩnh vực mà TP.HCM đang quan tâm là rất rộng mở, chủ động và tích cực.

Việt Nam hiện có khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong số này thì khoảng 2 triệu người có xuất thân hoặc liên hệ với TP.HCM.

Ghi nhận tại TP.HCM - địa phương có tỷ trọng thu hút kiều hối lớn nhất cả nước (chiếm 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2022), có thể thấy rõ điều này khi nguồn tiền từ kiều bào những năm vừa qua có sự dịch chuyển đáng kể, từ chủ yếu đầu tư bất động sản chuyển sang các dự án khởi nghiệp sáng tạo và các mô hình sản xuất kinh doanh.

Tính đến hiện nay, TP.HCM có khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư (tổng vốn khoảng 45.000 tỷ đồng). So với những năm trước, hiện nay dòng kiều hối đổ vào lĩnh vực bất động sản đã giảm đáng kể. Thay vào đó, nhiều dự án đầu tư đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, thương mại.

Nhìn kinh nghiệm từ Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy "kiều dân" của quốc gia này đã đóng góp hữu hiệu cho sự phát triển, cho hành trình đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia có thu nhập cao. 

Và giống Đài Loan (Trung Quốc), thì Hàn Quốc chọn con đường công nghiệp hóa, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Theo đó, Hàn Quốc đã chỉ mất 6 năm để thoát khỏi giai đoạn công nghiệp lắp ráp và chỉ trong 20 năm đã vươn lên thành cường quốc công nghiệp về điện tử, nhất là về vi mạch. Hàn Quốc và cả Đài Loan (Trung Quốc) đều đã dựa một phần không nhỏ vào sự đóng góp trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm của kiều bào của họ trong quá trình công nghiệp hóa. Điều này cả thế giới đều biết. Vì thế, như phân tích ở trên, có tỷ lệ kiều bào cao, nghĩa là TP.HCM đang có tiềm năng rất lớn về huy động kinh nghiệm và trí tuệ, lẫn vốn đầu tư của kiều bào, doanh nghiệp kiều bào.

Cú hích đột phá cho đổi mới sáng tạo

Có thể khẳng định rằng, dự thảo nghị quyết mới cũng dành phần khá nhiều "diện tích" cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tổng thể những cơ chế, chính sách vượt trội mà TP.HCM có thể vận dụng. Đơn cử, trong quyền hạn cho phép, TP.HCM được quyền miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (trong thời gian nhất định) đối với thu nhập của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hay như miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. 

Đáng chú ý, nguồn nhân lực "chất lượng cao" cũng được chú trọng trong dự thảo nghị quyết mới, với cơ chế miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn.

DNSG-NQ54-Khu-CNC-TPHCM.jpg

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) về triển khai các chính sách, cơ chế trong đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học diễn ra hôm 11/5/2023, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ, trong thời gian tới các chuyên gia ở lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có chuyên gia kiều bào sẽ tiếp tục hiến kế, đóng góp kinh nghiệm quý báu để giúp khoa học công nghệ của nước nhà phát triển xứng tầm

Đại diện một số doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như đơn vị vườn ươm đều đồng tình nhận định rằng, chính sách miễn thuế mà dự thảo nghị quyết mới đề cập có thể xem là "đòn bẩy vượt trội" với cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi lẽ, sự hỗ trợ trực tiếp về tài chính thông qua việc miễn giảm thuế chắc chắn giúp doanh nghiệp tích lũy dòng tiền để tiếp tục đầu tư vào nhiệm vụ nghiên cứu - sáng tạo, phát triển ra các sản phẩm mới mang tính vượt trội, mang thương hiệu của thành phố hướng đến thương mại hóa, hướng đến phụng sự xã hội và cũng như tạo ra các tác động xã hội khác. 

Vì thế, trong thời gian tới, GS. Mô tin rằng, với những cơ chế và chính sách vượt trội dành cho TP.HCM sắp được Quốc hội thông qua, đặc biệt là những sự linh hoạt cần thiết trong việc thu hút nhà đầu tư, hỗ trợ giảm thuế cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… chắc chắn sẽ tiếp tục giúp TP.HCM thu hút ngày càng nhiều hơn nữa nguồn lực kiều bào, khẳng định sự đãi ngộ "xứng tầm" mà TP.HCM dành cho các nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà công nghệ, doanh nghiệp… liên quan đến những lĩnh vực khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp cần thiết cho thành phố, đồng hành cùng quá triển phát kinh tế - xã hội của thành phố.

Qua kênh thông tin báo chí những ngày gần đây, chúng ta có thể thấy rằng, hầu hết chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quản lý nhà nước đều bày tỏ sự kỳ vọng về một cơ chế lẫn hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ vững chắc, đủ linh hoạt để tháo gỡ các nút thắt, các điểm nghẽn, khơi thông tất cả nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển vượt bậc của TP.HCM và để thành phố thực sự là đầu tàu xứng tầm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Nam bộ và của cả nước. Song song đó, những kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của TP.HCM, chắc chắn cũng sẽ được rút kinh nghiệm, sau đó vận dụng và áp dụng linh hoạt, có hiệu quả tại các tỉnh, thành khác.

Cơ hội đã rõ, tất cả nguồn lực đã sẵn sàng, tâm thế cũng đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM chủ động chuẩn bị từ xa, từ sớm để trong thời gian tới có thể nhanh chóng cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội và đủ mạnh, tất cả nhằm tạo ra sức bật mới, chắp cánh cho TP.HCM phát triển đột phá, lan tỏa toàn vùng và toàn quốc. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế vượt trội để phát triển xứng tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO