Chuyển nhượng dự án điện mặt trời, giao dịch bình thường của cơ chế thị trường

Nguyễn Loan| 19/05/2020 08:03

Xoay quanh vấn đề pháp lý trong chuyển nhượng các dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư trong nước (ĐTTN) cho nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và cơ chế giá FIT. Báo Doanh Nhân Sài Gòn có cuộc trao đổi cụ thể với ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương về các nội dung này.

Chuyển nhượng dự án điện mặt trời, giao dịch bình thường của cơ chế thị trường

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương

*Xin ông cho biết quan điểm của Bộ Công Thương như thế nào về việc có nhiều dự án điện mặt trời lúc ban đầu giao cho nhà ĐTTN triển khai nhưng sau đó lại được chuyển nhượng cho các nhà ĐTNN sở hữu, quản lý và vận hành?

- Đến hết ngày 11/5/2020, cả nước có 92 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 10 dự án điện gió (ĐG) với tổng công suất gần 6.000 MW đã vận hành thương mại. Trong đó có một số dự án ĐG, ĐMT đã được các nhà ĐTTN chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà ĐTNN đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore, Ả rập Xê Út....

Bộ Công Thương cho rằng đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường và được quy định bởi Luật Đầu tư. Quy định của pháp luật cho phép chuyển nhượng dự án cho nhà ĐTNN đáp ứng đủ các điều kiện chuyển nhượng (đây là những dự án đầu tư thuộc ngành nghề có điều kiện). Việc chuyển nhượng dự án, thay đổi cổ đông... do Bộ hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết tùy theo quy mô dự án.

Đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh Chính phủ trong triển khai dự án. Tuy nhiên, các dự án ĐMT, ĐG đã và đang triển khai hoàn toàn không có bảo lãnh Chính phủ. Việc các nhà đầu tư  trong và ngoài nước tham gia phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh Chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện.

Mặt khác, nhà ĐTNN thường có kinh nghiệm và năng lực tốt hơn trong đầu tư, quản lý vận hành nhà máy. Sự tham gia của họ trong các dự án điện sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho cả nhà đầu tư và xã hội.

*Theo quy định hiện hành thì nhà ĐTNN có được tham gia đầu tư vào các dự án ĐMT không thưa ông?

- Việt Nam đang kêu gọi thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội (trong đó có ngành điện). Có nhiều quy định cụ thể đã được ban hành, đặc biệt là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày11 tháng 4 năm 2017 và Quyết định số 13/2020/ QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT thể hiện rõ: Nhà ĐTNN được phép tham gia đầu tư ĐMT theo các quy định tại các Quyết định số 11, 13 và tuân thủ pháp luật về ĐTNN tại Việt Nam. 

*Trên thực tế, nhà ĐTNN thường không đầu tư trực tiếp vào các dự án ĐMT mà chọn phương án đầu tư một phần hoặc mua lại dự án của nhà ĐTTN. Ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Việc nhà ĐTNN thông qua các nhà ĐTTN để tham gia các dự án hoàn toàn là tín hiệu tốt đối với ngành điện. Thực tế cho thấy, các tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới rất ít khi trực tiếp đi phát triển dự án để tránh rủi ro, giảm thiểu thủ tục, thời gian và chi phí cho các công đoạn hình thành, xây dựng dự án ở các nước sở tại. Trong khi đó, nhà ĐTTN lại làm tốt hơn quá trình thực hiện đầu tư dự án lúc ban đầu nhưng họ thường không mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, vận hành. Cho nên sự kết hợp ấy (nói cách khác là các giao dịch thương mại) này hoàn toàn đem lại lợi ích cho cả hai bên và cộng đồng.

*Giá bán điện cố định của các dự án ĐMT (FIT) có phải quá hấp dẫn với nhà đầu tư hay không thưa ông?

- Đã là doanh nghiệp (dù trong hay ngoài nước) tôi tin rằng họ chỉ đầu tư khi dự án mang lại hiệu quả. Cho nên giá điện thiết kế phải đảm bảo lợi nhuận mới hy vọng thu hút được đầu tư. Giá FIT thời gian qua có thể nói là khá hấp dẫn. Năm 2016 chúng ta mới bắt đầu xây dựng cơ chế giá FIT và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg. Vào thời điểm đó giá FIT là 9,35 USC/kWh là hợp lý. Tuy nhiên, sau một năm do biến động của thị trường năng lượng ĐMT, giá FIT trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư hơn. Quyết định 11/2017/QĐ-TTg  cũng đưa ra thời hạn giá FIT chỉ có hiệu lực tới hết ngày 30/6/2019. Sau thời điểm trên, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh (đối với các dự án ĐMT, mặt đất). Điều này cũng hoàn toàn hợp lý bởi với tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật  thì chi phí đầu tư, vận hành sẽ giảm đi rất nhiều cho nên việc điều chỉnh giá vẫn đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư chứ không phải là giá FIT cao hay thấp.

*Dư luận cho rằng, cơ chế giá FIT là cơ chế xin- cho, dễ tạo cơ hội cho tiêu cực, thao túng. Với vai trò là Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, ông nhìn nhận vấn đề mà dư luận đặt ra như thế nào?

- Giai đoạn trước, thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn rất mới mẻ. Các chi phí phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo cao hơn so với các nguồn điện truyền thống. Vì vậy, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế hỗ trợ giá FIT. Đây cũng là cách làm phổ biến của hầu hết các nước khác trên thế giới. Thực tế cũng chứng minh cơ chế giá FIT thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nhờ giá ưu đãi với thời gian hạn tương đối dài (20 năm). Sự cam kết này của Chính phủ đã tạo tính minh bạch trong việc đánh giá tính khả thi và huy động nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, rút ngắn thời gian đàm phán hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà đầu tư.

Thông qua chính sách FIT, nước ta hiện có khoảng gần 6.000 MW điện năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành phát điện. Đảm bảo cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm lượng điện chạy dầu giá cao và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính Góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp, thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

Tôi khẳng định, cơ chế FIT không phải cơ chế xin- cho. Tuy nhiên nó đang tồn tại một số hạn chế sau: Các dự án tập trung phát triển ở những nơi có tiềm năng tốt sẽ dẫn đến quá tải lưới điện tại một số khu vực, gia tăng mức độ cạnh tranh về đất đai. Giá FIT cũng khó phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi so với giá công nghệ của thị trường nên thường dẫn tới tình trạng phát triển “nóng” ngoài mong muốn.

Giải pháp đặt ra là: Khi thị trường năng lượng tái tạo trong nước phát triển và cạnh tranh được với nguồn năng lượng truyền thống, cần chuyển sang cơ chế mới. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho cơ chế FIT.

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển nhượng dự án điện mặt trời, giao dịch bình thường của cơ chế thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO