Châu Á: Mô hình động lực xuất khẩu phá sản?

HỒNG QUÝ| 27/05/2009 00:00

Do nhu cầu cắt giảm từ nước ngoài, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu của châu Á được cho là “đã phá sản”. Vì vậy, châu lục này vẫn còn khá lận đận để bước qua khủng hoảng.

Châu Á: Mô hình động lực xuất khẩu phá sản?

Do nhu cầu cắt giảm từ nước ngoài, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu của châu Á được cho là “đã phá sản”. Vì vậy, châu lục này vẫn còn khá lận đận để bước qua khủng hoảng.

Theo nhận định mới đây của Phó giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Takatoshi Kato, sự suy thoái của kinh tế toàn cầu đang tác động tới châu Á mạnh hơn các khu vực khác. Số liệu quý IV/2008 cho thấy sự sụt giảm sản lượng lên tới gần 15% trong khu vực.

Nếu không tính Trung Quốc và Ấn Độ, thì rủi ro đối với doanh nghiệp châu Á hiện đang tăng lên và thậm chí cả các công ty có tên tuổi và triển vọng tốt nhất châu Á cũng đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. “Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bị ngột ngạt trong cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ.

Đã có một số doanh nghiệp vay vốn nhiều trong những thập kỷ trước để mở rộng hoạt động, nhưng khi xảy ra khủng hoảng các ngân hàng ngay lập tức ngừng cho họ vay vốn. Nợ xấu của doanh nghiệp được dự đoán sẽ làm xấu bản quyết toán ngân hàng ở châu Á”, ông Kato nhấn mạnh.


Chỉ vài ngày trước khi có nhận định trên của quan chức IMF, quan chức Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ còn 3,4%. Theo Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không còn con đường nào khác là “tái cân bằng sự tăng trưởng dựa trên xuất khẩu bằng cách dựa nhiều hơn vào nhu cầu tiêu dùng nội địa, mở ra con đường phát triển mới, mang lại lợi ích cho toàn cầu”.

Trong khi đó, mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu của châu Á cũng được cho là “đã phá sản do nhu cầu cắt giảm từ nước ngoài”, theo như nhận định mới đây của chuyên gia Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế của Đại học New York - người đã dự đoán chuẩn xác từ trước khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

“Nếu các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực không nhanh chóng định ra kế hoạch kịp thời để hướng về thị trường nội địa nhằm bù đắp nhu cầu cắt giảm từ nước ngoài thì trăng trưởng sẽ khó quay lại”, giáo sư Nouriel Roubini nhận định.

Hiện tình hình khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu vẫn còn khá nghiêm trọng, làm cho mức cầu, mức giao dịch thương mại, mức đầu tư trên thế giới sụt giảm đáng kể. Trong bối cảnh đó, các cường quốc xuất khẩu châu Á đang bị chính động lực số 1 của ngày nào làm cho khốn đốn.

Suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy nhu cầu hàng hóa của thế giới sụt giảm, làm các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu ở châu Á điêu đứng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng lao xuống dốc theo sự sụt giảm xuất khẩu. Do vậy, cho dù dấu hiệu khởi sắc phần nào đã hé lộ ở Bắc Mỹ, nhưng tại châu Á, hầu hết các nước vẫn đang khó thở trong không khí “ngột ngạt” của khủng hoảng tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Mô hình động lực xuất khẩu phá sản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO