Chấn chỉnh hoạt động công ty tài chính

Gia Lê| 10/12/2019 08:00

Sau những cảnh báo liên tiếp về việc cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành quy định mới theo hướng siết chặt hoạt động này.

Chấn chỉnh hoạt động công ty tài chính

NHNN cũng siết lại cách đòi nợ theo hướng chặt chẽ hơn, theo đó, không cho phép đòi nợ bằng biện pháp đe dọa đối với khách hàng. Số lần nhắc nợ giữa CTTC và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày.

Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016 về cho vay tiêu dùng của CTTC mới được ban hành, có hiệu lực từ đầu năm 2020, quy định CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng (KH) đối với KH không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Điều này nhằm tránh hiện tượng cho vay tràn lan, cạnh tranh lôi kéo KH giữa các CTTC, thậm chí tình trạng cho vay khống từ các hồ sơ làm giả, dẫn đến những hệ quả tiêu cực, không chỉ làm gia tăng rủi ro nợ xấu mà còn đặt nhiều KH vào tình trạng dở khóc dở cười vì bị đòi nợ mà mình không vay.

NHNN cũng đưa ra lộ trình chi tiết đưa tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng về mức 30%. Theo đó, tỷ lệ này tối đa ở mức 70% trong năm 2021, năm 2022 tối đa là 60%, năm 2023 là 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024. Như vậy, các CTTC còn tới hơn 4 năm để đưa tỷ lệ giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ về mức 30%. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình này cũng không dễ bởi nhiều CTTC có thị phần lớn có tỷ lệ cho vay tiền mặt ở mức cao hơn so với yêu cầu của NHNN.

Link bài viết

Thông tư 18/2019 quy định, các CTTC phải thông báo cho KH những quy định của pháp luật, quy định nội bộ về phương thức giải ngân trực tiếp thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thông báo cho KH và TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có liên quan đến giải ngân trực tiếp cho KH thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt quy định về giờ giao dịch thanh toán trong ngày.

Từ trước đến nay, việc cho vay trực tiếp bằng tiền mặt luôn tiềm ẩn rủi ro do các tổ chức cho vay rất khó kiểm soát việc sử dụng vốn vay của khách hàng có đúng mục đích hay không. Dù vậy, các CTTC vẫn tích cực sử dụng hình thức trên để cạnh tranh, khiến việc giải ngân bằng tiền mặt không chỉ dừng lại ở các món vay nhỏ mà còn cho vay giải ngân bằng tiền mặt đến hàng trăm triệu đồng.

Vì vậy, Thông tư 18/2019 nhằm kiểm soát việc giải ngân trực tiếp cho KH, đảm bảo KH sử dụng vốn vay đúng mục đích vay vốn ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, quy định mới này cũng sẽ khiến các CTTC phụ thuộc vào việc giải ngân bằng tiền mặt sẽ khó có thể mở rộng kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời phải tìm cách thay đổi mô hình kinh doanh, cải tiến hệ thống để đáp ứng theo các yêu cầu mới. Hệ quả là hiệu suất sinh lời sẽ bị ảnh hưởng là tất yếu.

NHNN cũng siết lại cách đòi nợ theo hướng chặt chẽ hơn, theo đó, không cho phép đòi nợ bằng biện pháp đe dọa đối với KH. Số lần nhắc nợ giữa CTTC và bên vay tối đa không quá 5 lần/ngày. Hình thức và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng, nhưng phải trong khoảng thời gian 7-21 giờ.

Các CTTC tiêu dùng cũng không được nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ cho các tổ chức và cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC, hoặc các trường hợp không thích đáng khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cuối cùng, các CTTC phải quản lý, giám sát, thống kê hoạt động cho vay tiêu dùng tách bạch với cho vay khác, tách bạch cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho KH với phương thức giải ngân cho vay tiêu dùng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấn chỉnh hoạt động công ty tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO