Cao su: Khó duy trì lợi thế

28/01/2011 04:31

Lợi thế giá bán và tỉ giá đã giúp các doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên tạo được lợi nhuận ấn tượng trong năm qua. Nhưng lợi thế này sẽ khó lặp lại trong năm 2011.

Cao su: Khó duy trì lợi thế

Lợi thế giá bán và tỉ giá đã giúp các doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên tạo được lợi nhuận ấn tượng trong năm qua. Nhưng lợi thế này sẽ khó lặp lại trong năm 2011.

Trong khi các doanh nghiệp thuộc những ngành như thủy sản, vận tải chật vật lắm mới hoàn thành được kế hoạch kinh doanh thì đối với doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên, 2010 là năm thắng lợi lớn.

Vượt kế hoạch

Trong 10 tháng đầu năm 2010, lượng cao su tự nhiên xuất khẩu của Việt Nam đã đạt kim ngạch gần 1,7 tỉ USD, vượt 13% mục tiêu cả năm.

Cùng thời gian trên, 4 trong số 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Cao su Tây Ninh (TRC) đạt lợi nhuận 192,6 tỉ đồng, vượt 15% kế hoạch năm. Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 270,55 tỉ đồng, vượt 16% kế hoạch.

Phải chăng ngành cao su tự nhiên năm 2010 đã có những thay đổi mang tính đột phá, giúp doanh nghiệp cán đích sớm?

Trên thực tế, giá bán mủ cao su tăng mới là nguyên nhân quan trọng giúp các doanh nghiệp sớm đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra. Ngay trong quý I/2010, giá bán mủ cao su tự nhiên đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2009. Từ đó đến nay, giá bán liên tục tăng mạnh kể cả vào mùa vụ cao điểm (quý cuối của năm). Ông Nguyễn Thái Bình, phụ trách công bố thông tin của TRC, cho biết, giá bán mủ cao su hiện tăng lên mức 90-100 triệu đồng/tấn, mức kỷ lục của ngành cao su tự nhiên trong nước.

Giá bán tăng chủ yếu là do chênh lệch cung cầu. Trong khi nhu cầu cao su thế giới không ngừng lên cao (dự báo sẽ tăng 35% trong vài năm tới) thì nguồn cung cao su luôn bị hạn chế. Đặc biệt, năm 2010, thời tiết thay đổi thất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vùng trồng cao su trọng điểm tại Thái Lan, Indonesia, vốn là 2 nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu cao su thứ 4 thế giới, sản lượng khai thác cũng theo chiều hướng giảm. Báo cáo của Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus cho thấy, Cao su Phước Hòa (PHR ) đang giảm 10% sản lượng, Cao su Hòa Bình (HRC) giảm 17%, còn TRC và DPR có mức giảm ít hơn, lần lượt 9% và 3,5%.

Xét sự chênh lệch cung cầu đó, Hiệp Hội Cao su Thế giới nhận định, giá mủ cao su trong 10 năm tới sẽ khó giảm.

Năm qua, ngoài yếu tố giá bán, doanh nghiệp cao su tự nhiên còn hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá VND/USD. Với 80-90% mủ cao su Việt Nam là xuất khẩu, việc tỉ giá bình quân liên ngân hàng VND/USD được điều chỉnh tăng 5,5% trong năm 2010 cũng góp phần vào mức lợi nhuận cao của doanh nghiệp ngành này. Tại DPR, quý III/2010, lãi từ việc bán ngoại tệ là 9,5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2009, khoản mục này không có.

Các doanh nghiệp ngành cao su tự nhiên đã hưởng lợi kép trong năm 2010. Và bức tranh này không phải đợi đến cuối năm nhà đầu tư mới nhìn thấy. Vì thế, trong khi thị trường chứng khoán ảm đạm, cổ phiếu cao su tự nhiên vẫn tăng giá. Trong đó, tăng giá mạnh nhất là HRC, với mức tăng gần 50% so với đầu năm 2010.

2011: Khó giữ phong độ

Trong năm 2011, các doanh nghiệp ngành cao su sẽ khó giữ được phong độ. Điều này thể hiện qua sản lượng khai thác. DPR có kế hoạch giảm sản lượng khai thác từ 16.000 tấn xuống còn 14.300 tấn trong năm nay. Sản lượng của TRC cũng ước giảm về mức thấp nhất trong kế hoạch khai thác của Công ty là 11.000 tấn.

Ông Bùi Phước Tiên, Phó Tổng Giám đốc của HRC, cho biết, không chỉ năm 2011mà cả 5 năm tới, sản lượng khai thác của HRC dự kiến liên tục giảm, từ mức 2.874 ha năm 2010 xuống còn 1.717 ha năm 2015. Như vậy, từ năm 2016 trở đi, khi diện tích trồng mới cao su của HRC được đưa vào khai thác, HRC mới hy vọng tăng được sản lượng.

Giá bán cao su cũng khó tăng mạnh như năm 2010. Theo ông Phạm Kinh Luân, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu của StoxPlus, giá cao su tự nhiên năm 2010 đã đạt đỉnh cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Sang năm 2011, khi không còn sự hỗ trợ từ các yếu tố bất thường (như biến đổi thời tiết), giá cao su tự nhiên sẽ khó thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn mức giá hiện tại. Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh, nếu giá mặt hàng này tiếp tục tăng quá cao, theo quy luật cung cầu của thị trường, các doanh nghiệp sẽ quay sang sử dụng sản phẩm thay thế là cao su tổng hợp.

Liên quan đến vấn đề tỉ giá, khả năng tiền đồng tiếp tục giảm giá khoảng 5% so với USD trong năm 2011 là rất cao. Thậm chí, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) còn cho rằng, với lạm phát tại Việt Nam năm 2011 ước khoảng 7,8-9,1% trong khi lạm phát ở Mỹ khoảng dưới 2%, tỉ giá VND/USD có thể tăng thêm khoảng 5,8-7,1%. Như vậy, doanh nghiệp cao su tự nhiên có thể tiếp tục hưởng lợi từ chênh lệch tỉ giá nhưng mức độ sẽ không thay đổi bao nhiêu so với năm 2010.

Nhìn lại 3 yếu tố quan trọng làm nên doanh thu của một doanh nghiệp cao su tự nhiên, gồm sản lượng khai thác, giá bán và tỉ giá, sẽ thấy lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này trong năm 2011 khó tăng được như năm 2010.

Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, cổ phiếu cao su tự nhiên đã xác lập được mặt bằng giá mới trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2010 giảm điểm. Liệu cổ phiếu cao su tự nhiên có phản ánh hết lợi nhuận doanh nghiệp và có còn hấp dẫn? Câu trả lời, theo ông Luân, StoxPlus, là còn tùy thuộc vào đặc điểm và triển vọng của mỗi công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cao su: Khó duy trì lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO