Cần có một cơ quan giám sát thực thi thể chế

Song Anh| 12/12/2019 06:00

Để tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: “Việt Nam cần có một cơ quan giám sát thực thi thể chế để duy trì cải cách thủ tục hành chính trong dài hạn”.

Cần có một cơ quan giám sát thực thi thể chế

* Tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%. Theo ông, tại sao vấn đề cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được nêu ra tại các diễn đàn kinh tế?

- Nước ta thực hiện nhiều cuộc cải cách, nhưng doanh nghiệp đang gánh trên lưng gánh nặng thủ tục hành chính. Hiện nay, phần lớn giấy phép hoạt động chỉ có thời hạn nhất định, chẳng hạn 5 năm, sau đó doanh nghiệp lại phải làm thủ tục gia hạn. Như vậy, nếu doanh nghiệp đầu tư rất nhiều tiền vào kinh doanh nhưng khi giấy phép hết thời hạn lại không thể gia hạn, chắc chắn sản xuất sẽ bị đình trệ, thiệt hại vật chất sẽ rất lớn, và nếu tiếp tục hoạt động, doanh nghiệp có thể bị xử phạt, thậm chí là bị rút giấy phép kinh doanh. Trong trường hợp giấy phép đầu tư 20 năm, doanh nghiệp sẽ có kế hoạch kinh doanh khác, nhất là đầu tư dài hạn, tạo được sự phát triển bền vững. 

Hiện nay, doanh nghiệp phải cộng thêm các phí và lệ phí, chi phí thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức, chi phí cơ hội... vào giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ. Các chi phí này làm tăng giá sản phẩm, giá dịch vụ, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh. Một số chi phí trong số ấy tạo ra các tác động bất lợi khác, làm méo mó thị trường và làm giảm sự phát triển kinh tế. Theo nghĩa đó, người có “quan hệ tốt” và có khả năng “chịu chi” sẽ kinh doanh tốt. 

* Cải cách thủ tục hành chính trong những năm qua, theo ông đã tác động thế nào đến doanh nghiệp?

Link bài viết

- Kể từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã có 7 nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chính phủ cũng mạnh dạn cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh. Những nỗ lực này giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện 1,2 bậc/năm, từ mức 78 năm 2014 lên 70 vào năm 2019. Thế nhưng, cải cách đã chậm lại kể từ năm 2018 và chỉ “nhúc nhích” vào năm 2019 do thực thi không đầy đủ. 

Một số kết quả đo lường của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nghiên cứu của CIEM đều cho thấy cải cách hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ một số lĩnh vực được ghi nhận “tích cực” còn lại chỉ là “có tác động tích cực hơn”. Thậm chí, nhiều cải cách được các bộ, ngành ghi nhận nhưng phía doanh nghiệp lại cảm thấy “kém tích cực”.

* Việt Nam chưa lọt vào top ba nước dẫn đầu ASEAN 6 về cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông, lĩnh vực nào cần được xem là động lực cải cách thời gian tới?

- Tôi thấy các bộ và chính quyền địa phương chưa có động lực cải cách hành chính, dù họ đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc cải cách này, vừa tham mưu ban hành thể chế, vừa trực tiếp thực thi chương trình cải cách. Thực tế, chưa có bộ, ngành và chính quyền địa phương nào đi trước Chính phủ trong vấn đề cải cách suốt 5 năm qua. Toàn bộ các chương trình cải cách hiện nay vẫn từ trên ép xuống. Những sáng kiến trong quá trình cải cách là của Chính phủ với sự tham mưu của các đơn vị trung gian. Chưa có thống kê nhưng rất khó đảm bảo rằng nước ta đã bãi bỏ được 50% điều kiện kinh doanh. Vậy nhưng các bộ, trong thẩm quyền vẫn tiếp tục đề xuất nghị định mới, quy định mới về kinh doanh của doanh nghiệp. 

* Theo ông, động lực cải cách trong năm tới sẽ đến từ đâu?

- Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các chính phủ đều có cơ quan giám sát và thực thi cải cách thủ tục hành chính. Cơ quan này do luật định và được giao thẩm quyền. Bối cảnh Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để thành lập một cơ quan như vậy, nhưng Chính phủ cần có một cơ quan giám sát thực thi thể chế để duy trì được cải cách hành chính trong dài hạn. Cơ quan này còn làm nhiều việc khác, chẳng hạn điều phối và phối hợp thực hiện chính sách. 

* Cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần có một cơ quan giám sát thực thi thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO