Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng mỗi năm

Nguyễn Loan| 08/12/2019 01:30

Lễ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ chính thức diễn ra vào 14 giờ ngày 9/12/2019 tại các điểm cầu là UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.

Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng mỗi năm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo. Ảnh: Thu Giang

Ở TP.HCM, lễ khai trương được tiến hành ở 6 địa điểm là trụ sở UBND TP.HCM; trụ sở UBND phường Hiệp Phú, quận 9; UBND phường Hòa Thạch, quận Tân Phú; UBND phường Sơn Kỳ, quận tân Phú; UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi và khách sạn Majestic quận 1.

Đây là sự chuyển đổi căn bản các giao dịch công từ phương thức trực tiếp sang phương thức trực tuyến. Qua đó, vận hành tốt Cổng dịch vụ công quốc gia mỗi năm sẽ tiết kiệm tới 4.222 tỷ đồng. Con số này sẽ còn tăng tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng trong cuộc họp báo ngày 7/12/2019 tại Hà Nội về việc khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia cho biết: Xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia là nhiệm vụ quan trọng để tiến tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Trong đó, dịch vụ công phải lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính làm mục tiêu. Đây cũng là cơ sở để luật hóa các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử.

Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia được phê duyệt theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019, chính thức đi vào vận hành sau 9 tháng triển khai đã khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm cao của một chính phủ điện tử theo đúng mục tiêu, ý nghĩa quan trọng là phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công quốc gia là địa chỉ duy nhất kết nối liên thông với toàn bộ các Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ tra cứu và thực hiện các dịch vụ công trên mạng; đồng thời là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến...

Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 5 loại hình dịch vụ trên phạm vi toàn quốc cho người dân và doanh nghiệp, bao gồm: đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp cho người dân, hộ gia đình; dịch vụ cấp điện trung áp cho doanh nghiệp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

4 dịch vụ công thực hiện đồng thời tại cấp bộ là: cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Tại 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công: đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế, đăng ký khai sinh.

Dự kiến, quý I/2020, hệ thống sẽ tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực: thuế thu nhập cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ… Như vậy, người dân và doanh nghiệp sẽ giảm nhiều thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền và loại bỏ được hiện tượng tiêu cực bởi một nền hành chính công hiện đại, minh bạch.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia để đưa vào vận hành với 6 mảng cấu phần chính là: cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến thủ tục hành chính; nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống hỗ trợ trực tuyến và tổng đài hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm hơn 4.200 tỷ đồng mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO