Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 và Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong tình hình mới.
Theo kế hoạch, lãnh đạo Cục sẽ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các địa bàn trọng điểm, thể hiện quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý thị trường. Trọng tâm là theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động rà soát các mặt hàng thiết yếu có nguy cơ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá, phân bón…
Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập, phân tích thông tin cung - cầu, giá cả hàng hóa; phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường và có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định. Đồng thời, chú trọng kiểm tra các kênh bán lẻ không chính thức, đặc biệt trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, những nơi tiềm ẩn rủi ro cao về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cục cũng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa trong công tác quản lý: xây dựng hệ thống thu thập, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong toàn lực lượng quản lý thị trường, kết nối với các cơ quan chức năng để nâng cao năng lực giám sát và dự báo nguy cơ vi phạm.
Trên địa bàn quản lý, Chi cục Quản lý thị trường được giao phối hợp với Sở Công Thương và UBND các địa phương triển khai đồng bộ hoạt động giám sát, kiểm tra tại chỗ; tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất tại các khu vực và lĩnh vực trọng điểm như biên giới, sân bay quốc tế, kho bãi, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và làng nghề.
Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, một trong những thách thức lớn hiện nay trong quản lý thương mại hiện đại.
Tất cả các biện pháp nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ thị trường lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.