Các luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015

V.T| 03/07/2015 06:10

Từ 1/7/2015, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Doanh nghiệp,luật Đầu tư... sẽ có hiệu lực thi hành

Các luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015

Từ 1/7/2015, các luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư;...

Mở rộng đối tượng là tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định mở rộng đối tượng tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Cụ thể, ngoài doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam, Luật còn bổ sung thêm các tổ chức cũng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là DN có vốn đầu tư nước ngoài; chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài; quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

DN kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng

Theo Luật Kinh doanh bất động sản, DN kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng (quy định trước đó là 6 tỷ đồng).

Các DN kinh doanh bất động sản đang hoạt động mà chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải bổ sung đủ các điều kiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung nhiều quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai như các chủ đầu tư phải được bảo lãnh bởi ngân hàng thương mại đủ năng lực trước khi bán.

Không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN

Luật Doanh nghiệp đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của DN; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập DN.

Một số thay đổi đáng chú ý trong Luật là DN không phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký DN; DN được quyền tự quyết về con dấu; chỉ các DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là DN nhà nước, thay vì 51% như hiện nay…

Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập DN Nhà nước trong 4 lĩnh vực

Các cơ chế, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Luật quy định Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập DN Nhà nước trong 4 lĩnh vực, cụ thể là DN cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; DN hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; DN ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện

Luật Đầu tư đã lần đầu tiên xác định rõ danh mục 6 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Ngoài các ngành này, doanh nghiệp được hoàn toàn tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh.

>Luật Đầu tư sửa đổi: Hàng trăm thông tư mất hiệu lực

>Luật Nhà ở sửa đổi: Hi vọng mua nhà cho người thu nhập thấp

>Những thay đổi về công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp 2014

>Luật Kinh doanh BĐS 2014: Giờ G đã điểm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO