Các gói hỗ trợ: Tính kịp thời quan trọng hơn quy mô

Anh Khoa| 13/04/2020 04:00

Việt Nam là một trong những quốc gia có các chính sách ứng phó kịp thời và mạnh mẽ với dịch Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu, không chỉ là những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn về mặt y tế mà còn là các gói hỗ trợ nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp, người dân nói riêng.

Các gói hỗ trợ: Tính kịp thời quan trọng hơn quy mô

Hàng trăm nghìn tỷ đồng các gói hỗ trợ

Từ đầu tháng 3, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng và hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng với các chính sách đi kèm như miễn, giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, bảo đảm an sinh xã hội...

Tiếp đến, trong những ngày đầu tháng 4 này, nhiều chính sách hỗ trợ mới đã được ban hành, trong đó gói kích thích tài khóa được nâng từ 30.000 tỷ đồng lên 150.000 tỷ đồng, thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công; dự kiến giảm giá điện 10% với tổng số tiền khoảng 11.000 tỷ đồng, tổng giá trị của gói hỗ trợ giá dịch vụ viễn thông vào khoảng 15.000 tỷ đồng. Riêng gói hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ có thể không chỉ 250.000 tỷ đồng mà còn cao hơn nữa, theo như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Với tình trạng giãn cách xã hội hiện nay, Chính phủ sẽ tập trung cho an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động, công nhân thất nghiệp, người nghèo; có phương án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tiếp tục tìm nguồn lực, thị trường; chuẩn bị điều kiện phát triển kinh tế khi kết thúc đại dịch.

Đáp ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) trong những tuần qua đã đưa ra hàng loạt gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng ở mỗi ngân hàng (NH). Song song đó, nhiều NH đã quyết định giảm lãi suất cho vay với mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm qua, từ 1-2%, thậm chí lên tới 2,5%, áp dụng cho các khoản vay mới lẫn khoản vay hiện hữu.

Ở khu vực tư nhân, nhiều DN cũng thông báo các chính sác hỗ trợ cho đối tác, khách hàng, như gia hạn các khoản thanh toán, khoản phải thu, triển khai một số sản phẩm mới ưu tiên sử dụng đầu vào của các DN nội, một số trung tâm thương mại giảm phí thuê mặt bằng cho khách hàng.

Quan trọng là kịp thời

Việc triển khai hàng loạt gói hỗ trợ, giải cứu trong thời gian ngắn là điều cần thiết và rất đáng hoan nghênh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng, sản xuất bị đình trệ hoặc tê liệt hoàn toàn, doanh thu của nhiều công ty sụt giảm mạnh, dẫn đến phải cho người lao động nghỉ việc hàng loạt.

Link bài viết

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này phải sớm được thực hiện và đi vào đời sống, có như thế việc giải cứu kịp thời và đảm bảo hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng quá chậm trễ đến nỗi nhiều DN, hộ kinh doanh, người dân không còn đủ sức để phục hồi, và xem như mất hiệu quả.

Đơn cử như ngành NH, dù các gói cam kết hỗ trợ với giá trị rất lớn liên tiếp được thông báo, nhưng thực tế không ít DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào, hay chính sách miễn, giảm lãi vay, hay giãn nợ, khoanh nợ như truyền thông đưa tin rầm rộ, trong khi áp lực tài chính vẫn ngày càng đè nặng lên DN.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2020 tăng 24,9% so với cùng thời điểm năm trước. Số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 18.600, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Đó đều là những con số đáng báo động về tình hình hoạt động của DN hiện nay. Một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân hồi đầu tháng 3 cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN cho biết sẽ phá sản.

Theo báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế do Nhóm Nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện, nếu Covid-19 kết thúc vào cuối tháng 4, chỉ có khoảng 0,8% số DN có khả năng phá sản, 49,2% DN duy trì hoạt động, nhưng nếu đại dịch kéo đến tháng 12, tỷ lệ DN có thể duy trì được chỉ là 7,4% và có tới 39,3% phá sản.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra ngày 5/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải thực hiện nhanh gói hỗ trợ vì “cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các gói hỗ trợ: Tính kịp thời quan trọng hơn quy mô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO