Bộ trưởng Bộ Công Thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ 2024

Lê Duy| 07/09/2020 05:30

Nhìn nhận thực tế hiện "giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, đến năm 2024 giá điện sẽ có tăng, có giảm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ 2024

Sáng 7/9/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo ông Trần Tuấn Anh, căn cứ đề án Thủ tướng phê duyệt năm 2011, thị trường điện cạnh tranh được xây dựng theo lộ trình với 3 cấp độ: 

- Cấp độ một là thị trường phát điện cạnh tranh, bắt đầu thực hiện từ năm 2011; đến nay đã hoàn chỉnh như báo cáo với Quốc hội, và đã có hơn 94 nhà máy điện tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

- Cấp độ hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh được triển khai từ 2018; đến năm 2019 đã có thị trường này và đã tiến hành bán điện cạnh tranh với các tổng công ty lớn ngoài EVN tham gia trực tiếp.

- Cấp độ ba là bán lẻ giá điện cạnh tranh, dự kiến tới năm 2024 mới bắt đầu thực hiện, sau khi có tổng kết thí điểm từ 2021 - 2024 để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này.

"Điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với nhà phân phối bán điện giá rẻ. Cơ chế điện này có tăng, có giảm theo đúng kinh tế thị trường, cơ cấu giá đầu vào của giá thành sản xuất điện", ông Tuấn Anh phân tích.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội sáng 7/9/2020. Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình tại Quốc hội sáng 7/9/2020. Ảnh: Ngọc Thắng

Năm 2024 có giá điện bán lẻ cạnh tranh

Khẳng định này được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra tại phiên giải trình về "thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội" do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, đến khi người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với nhà phân phối, Nhà nước sẽ chỉ quản lý chi phí của hệ thống truyền tải và phân phối. Còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất sẽ quyết định giá bán lẻ.

"Vì vậy, có thể khẳng định, đến năm 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó", ông Tuấn Anh nói.

Vị Bộ trưởng giải thích thêm, Luật Giá hiện quy định, có cơ chế giá của các khu vực chênh lệch, có biểu giá bán lẻ điện trong khung 5 năm ổn định, trong đó có cả điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện kinh doanh. 

Do đó, trong thời gian qua, dù mong muốn xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường nhưng theo Luật Giá thì vai trò của Nhà nước phải điều tiết giá, có cả những vấn đề hỗ trợ cho các đối tượng xã hội, người nghèo. Chính vì vậy, quá trình vừa qua là phải đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ.

Vì sao giá điện chỉ tăng?

Trước câu hỏi của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm về việc từ 2011 đến nay đã có 9 lần điều chỉnh giá điện nhưng "chỉ tăng chưa bao giờ giảm" và chỉ có thời gian dịch Covid-19 mới có giảm, ông Tuấn Anh nói: "Đúng như đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu, thời gian qua ‘giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm’ vì trên thực tế những yếu tố trong thời gian từ 2011-2020, khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành giá điện sản xuất của EVN và các doanh nghiệp đầu tư”.

Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm, bởi chưa đảm bảo được cân đối giá thành sản xuất điện của EVN và các nhà sản xuất khác, các khâu đầu vào của giá điện cũng như các chi phí chung chưa giảm.

"Chúng tôi cũng thấy tiếc và bức xúc khi chưa giảm được giá điện nhưng tới đây hình thành thị trường cạnh tranh thì công khai, đảm bảo giá điện có lên, có xuống và phù hợp với vận hành của thị trường", ông Tuấn Anh nêu.

Đồng thời, ông Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng biểu giá bán lẻ điện. Tuy nhiên, làm sao để cơ cấu giá điện bảo đảm giải quyết ổn thoả, mang lại lợi ích và hiệu quả cao thì rất cần một giải pháp tổng thể. Do đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đang xin ý kiến của dư luận về giá điện bán lẻ bậc thang, cũng như giá bán lẻ điện một giá.

Đồng tình với đại biểu Hàm về quan điểm phải thật sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong phát triển điện lực theo cơ chế thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đến năm 2024 khi đủ điều kiện để thị trường hóa hoàn toàn trong lĩnh vực điện năng thì Nhà nước sẽ không can thiệp giá, giá điện tăng, giảm sẽ do thị trường quyết định.

"Khi đó chúng ta chỉ áp dụng các chính sách hỗ trợ giá điện với người nghèo, các đối tượng chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội", vị Bộ trưởng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Người dân được mua điện bán lẻ trực tiếp từ 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO