Bloomberg: Ngân hàng Việt Nam "ghi điểm" trước giới đầu tư

VÂN THẢO| 12/11/2015 05:59

Hãng tin Bloomberg nhận định Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng nợ xấu cách đây ba năm nhờ vào những biện pháp cải tổ mạnh mẽ trong ngành ngân hàng.

Bloomberg: Ngân hàng Việt Nam

Bloomberg ngày 12/11 đưa nhận định: Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng nợ xấu cách đây 3 năm nhờ vào những biện pháp cải tổ mạnh mẽ trong ngành ngân hàng. 

Hãng tin này phân tích: Cổ phiếu của ba ngân hàng lớn nhất Việt Nam đã tăng trung bình 62% trong năm nay, trong đó riêng cố phiếu của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) được cho là hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán mới nổi năm 2015.

Các nhà đầu tư của Quỹ quản lý tài sản Dragon Capital và Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng Securities tỏ ra lạc quan về cố phiếu ngành ngân hàng Việt Nam mặc dù mức giá hiện nay đã tăng cao hơn trước.

Giám đốc đầu tư của Qũy Dragon Capital Bill Stoops khẳng định: "Năm tới, các ngân hàng Việt Nam sẽ cho vay nhiều hơn, làm tăng mức lợi nhuận thu được khi khả năng nới room vẫn còn".

Theo Bloomberg, những tín hiệu tích cực trên là minh chứng cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải tổ hệ thống ngân hàng nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ xấu vốn đè nặng nền kinh tế trong suốt ba năm qua. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã tiến hành sáp nhập một vài ngân hàng và thậm chí xóa sổ một vài cái tên trong hệ thống theo kế hoạch cắt giảm số lượng từ 40 ngân hàng ở hiện tại xuống còn 15 ngân hàng tới năm 2017.

Sự biến động giá cổ phiếu các ngân hàng từ đầu năm đến nay. Nguồn: Bloomberg

Theo số liệu của Bloomberg, trong năm 2015, cổ phiếu của BIDV đã tăng 90%, đứng thứ hai là Vietcombank với mức tăng 50% và VietinBank tăng 47%. 

Nợ xấu của toàn ngành ngân hàng cũng đã giảm xuống 2,9% vào tháng 9 vừa qua trong khi 3 năm trước, con số này là 17%, và từ đầu năm đến nay Công ty Quản lý tài sản VAMC đã mua 91,3 nghìn tỷ đồng (4,08 triệu USD) nợ khó đòi. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện những giải pháp đổi mới trước giờ chưa từng có khi tiến hành thu mua một số ngân hàng với giá 0 đồng, nhờ đó tác động tích cực đến một số lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, đã có khoảng 30.000 giao dịch bất động sản được ghi nhận.

Tuy nhiên, trước thống kê của hãng Bloomberg về tỷ lệ P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu) của một số ngân hàng hàng đầu Việt Nam, Giám đốc quỹ đầu tư của Coeli Assat Management tại Thụy Điển, ông James Bannan nhận định, Việt Nam vẫn là nơi có giá cổ phiếu ngân hàng đắt đỏ nhất trong số các thị trường sơ khai trên thế giới.

Cụ thể, tỷ lệ P/E của BIDV vào khoảng 12,3 lần, của Vietcombank là 25,2 lần và Vietinbank là 13,2 lần. Theo Bannan, các tỷ lệ trên là quá cao. 

Tuy nhiên, Giám đốc Patrick Mitchell của Maybank Kim Eng Securities lại có ý kiến ngược lại khi cho rằng giá cổ phiếu ngành ngân hàng tại Việt Nam cao là do những triển vọng phát triển nền kinh tế đất nước.

Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vào năm 2015 được dự báo ở mức 17%, cao nhất kể từ năm 2011. Chính phủ Việt Nam ước tính nền kinh tế sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm tới, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Hãng kiểm toán PwC dự đoán Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay cho đến năm 2050.

"Với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế vĩ mô cùng khả năng tăng trưởng trong thị trường bất động sản, chúng tôi kỳ vọng ngành ngân hàng Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực", ông Mitchell nói.

>Nhà đầu tư nước ngoài "xếp hàng" chờ mua nợ xấu

>Có nhiều tín hiệu tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 12%

>Sáp nhập NHTM - Mối lo của các "ông lớn"

>Giá trị của BID được đẩy lên sau sáp nhập

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bloomberg: Ngân hàng Việt Nam "ghi điểm" trước giới đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO