Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

TĂNG KHÁNH| 08/03/2016 02:25

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ chứ không phải để quản lý, tại buổi gặp gỡ với doanh nhân trên địa bàn, với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”

Sáng 8/3, tại Hội trường Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo Thành phố đã có buổi gặp gỡ với các doanh nhân trên địa bàn, với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”.

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM, hàng trăm doanh nhân và đại diện các tổ chức ngành nghề. Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu các doanh nghiệp (DN), doanh nhân, đại diện các tổ chức ngành nghề nói thẳng, nói thật các vấn đề vướng mắc, bất cập cùng những kiến nghị cho lãnh đạo Thành phố. 

Với tinh thần làm việc cởi mở, các doanh nhân đã thẳng thắn trình bày các vấn đề khó khăn trong lĩnh vực, ngành nghề cũng như các bất cập về quản lý gây khó khăn cho DN.

Ngành cơ khí khó cạnh tranh vì gánh nặng thuế

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP.HCM cho biết, thiết bị được các nhà thầu nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có thuế 0%, trong khi các DN trong nước nhập khẩu vật tư để chế tạo máy móc thì phải đóng 2 loại thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT). “Đây là một nghịch lý đã kéo dài mấy mươi năm qua, trở thành một gánh nặng của ngành cơ khí, khiến các DN không thể phát triển được”, ông Tống cho biết.

Ông cũng kiến nghị bỏ chính sách thuế VAT, vì sau một thời gian, Nhà nước cũng hoàn khoản thuế này cho DN. Như vậy, VAT như một hình thức chôn vốn, không làm lợi cho Nhà nước trong khi lại khiến DN gặp khó khăn trong việc xoay vòng vốn.

Đồng thời, ngành cơ khí cần được hỗ trợ tăng cường nguồn nhân lực, đào tạo lao động, xây dựng các phần mềm quản lý DN. Ông Tống cũng bức xúc khi doanh nghiệp trong lĩnh vực khuôn mẫu phải chứng minh sản phẩm làm ra là được sản xuất trong nước, theo công thức tỷ lệ/thị phần chiếm lĩnh, được Bộ Công Thương yêu cầu. Tuy nhiên, đây không phải là chuyên môn của DN mà thuộc về các cơ quan chức năng.

Tiếp nhận những ý kiến trên, đại diện Cục Thuế TP.HCM - Cục phó Trần Thị Lệ Nga nhận định: “Việc thu thuế VAT đối với các mặt hàng nhập khẩu là theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, kiến nghị của Hội Cơ khí – Điện TP.HCM không thu thuế VAT đối với các DN trong nước là hợp lý”. Bà Nga cho biết đã ghi nhận và sẽ kiến nghị lên Quốc hội để giải quyết khó khăn cho các DN.

Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu Cục Thuế đưa ra lộ trình giải quyết các vướng mắc về thuế của các DN, xem xét những tồn tại là do DN chưa nắm rõ quy định hay do sai sót của cơ quan thuế.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nhân. Ảnh: Quý Hòa

“Cơ hội tới nhưng lực ở đâu để nắm bắt?”

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc năm 2015 tăng 10% so với năm 2014. Xuất khẩu tăng nhưng đời sống công nhân của ngành rất khó khăn, vất vả.

Nguyên nhân là 80% nguyên liệu ngành dệt may phải nhập khẩu, lợi nhuận thu về rất ít ỏi. “Chúng ta phấn khởi về TPP, FTA nhưng vẫn còn nhiều trăn trở nếu vẫn phải sử dụng nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cơ hội tới nhưng nguồn lực ở đâu để nắm bắt?”, ông Hồng trăn trở. Từ thực tế đó, ông Hồng kiến nghị phải phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc.

"Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn nhưng cần phải tiếp tục cương quyết thực hiện. Cần miễn giảm thuế đất cho các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ”, ông Hồng đề nghị.

Đồng thời, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cũng kiến nghị nhà nước cần đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải để hỗ trợ cho ngành dệt nhuộm, bởi chi phí đầu tư cho việc này rất tốn kém, DN không đủ lực tự làm. Theo ông, Nhà nước sẽ đứng ra xây dựng hệ thống đạt tiêu chuẩn rồi cho DN sử dụng và đóng phí, giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho DN.

Cải thiện chính sách, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, phần lớn các DN hiện nay là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vì thế Thành phố có cơ chế, chính sách để các DN tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, hạn mức cho vay cao hơn. Ông Minh cũng kiến nghị Thành phố có chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhằm đào tạo nhân sự chất lượng cao. Các cơ chế chính sách cũng cần thông thoáng, lâu dài để tạo thêm sức cạnh tranh cho DN. Ông Minh nêu một thực tế là TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng chưa có một trung tâm triển lãm, hội chợ mang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng kiến nghị đến lãnh đạo Thành phố cải thiện hạ tầng lưu thông, hạ tầng kỹ thuật, nhằm giúp DN tăng năng suất. Đồng thời, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM cũng cần đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: Thanh Vũ

DN là đối tượng phục vụ, không phải đối tượng quản lý

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề cao tinh thần đóng góp, kiến nghị thẳng thắn của DN và hứa tiếp nhận, giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền cũng như kiến nghị lên Quốc hội những vướng mắc ngoài thẩm quyền Thành phố.

Ông Phong khẳng định: “Sự thành công của DN là thành công của TP.HCM”. Các DN cần nâng cao chất lượng để hội nhập và Thành phố sẽ có lộ trình cụ thể để có các chương trình đào tạo và hỗ trợ DN.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết sẽ có buổi trao đổi, làm việc với các đơn vị liên quan về vấn đề khởi nghiệp, để có biện pháp, tạo điều kiện thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của TP.HCM.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nhắc nhở các đơn vị, sở ngành tiếp nhận những đóng góp của các doanh nhân, cam kết thời gian giải quyết để Quốc hội, toàn dân cùng giám sát.

Bí thư yêu cầu cơ quan ban ngành cần thay đổi tư duy, nhận thức: “DN là đối tượng để phục vụ chứ không phải đối tượng để quản lý. Vì thế chúng ta phải phục vụ DN vô điều kiện”. Cơ quan quản lý cần xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, loại bỏ những cá nhân gây nhũng nhiễu, năng lực kém gây khó khăn, mất thời gian cho DN.

Về vấn đề khởi nghiệp, Bí thư Thành ủy cho biết, Thành phố cũng sẽ có những chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ, tăng cường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp như kiến nghị của các đại biểu. Ông Thăng cũng đề nghị các DN đi trước hỗ trợ cho DN mới, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, không ngại những DN mới cạnh tranh với mình, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, sôi động.

Đối với các vấn đề về luật, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng hứa sẽ đề xuất với Quốc hội, đồng thời xây dựng cơ chế đột phá, xây dựng TP.HCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Về vấn đề xây dựng Trung tâm triển lãm – hội chợ mang tầm quốc tế, ông Thăng cho biết, đây là một thiếu sót tại một đầu tàu kinh tế như TP.HCM và đề nghị cần giải quyết nhanh ngay trong năm nay.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị DN cũng đẩy mạnh tái cơ cấu, tiếp cận công nghệ mới của thế giới, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất để hội nhập. “Những DN làm ăn hiệu quả sẽ được Thành phố tôn vinh như những anh hùng trong thời bình”, ông Thăng nói.

Cuối cùng, Bí thư Thành ủy khẳng định: “Những ý kiến đóng góp của DN không chỉ được lắng nghe mà còn được Thành phố cam kết thay đổi mạnh mẽ, tạo ra một làn sóng đổi mới cho TP.HCM và cả nước”.

>Chủ tịch nước: Doanh nghiệp cần chủ động kiến nghị chính sách

> Chủ tịch nước: Hiệp hội phải "sát sườn" với doanh nghiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí thư Thành ủy TP.HCM: “Phải phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO