Bí thư Thành ủy Hội An: "Đón 3 triệu khách sẽ là nguy cơ mất Hội An"

BÍCH HỒNG thực hiện| 02/04/2015 01:16

Ông Nguyễn Sự cho rằng, không nên vội bán đất, bán tài nguyên du lịch, mà hãy chờ cơ hội lớn hơn từ chiều sâu văn hoá bồi đắp cho sự thịnh vượng bền vững của những vùng đất như Hội An, Cù Lao Chàm.

Bí thư Thành ủy Hội An:

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, không nên vội bán đất, bán tài nguyên du lịch, mà hãy chờ cơ hội lớn hơn từ chiều sâu văn hoá bồi đắp cho sự thịnh vượng bền vững của những vùng đất như Hội An, Cù Lao Chàm.

Đọc E-paper

Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An

* Thưa ông, lượng khách đến Cù Lao Chàm đã khá đông, nhưng họ kêu ca về sự thiếu tiện nghi, sản phẩm du lịch thô sơ, chưa xứng tầm với giá trị một khu bảo tồn thiên nhiên và khu dự trữ sinh quyển thế giới...

- Cù Lao Chàm được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch nhiều năm, nhưng chúng tôi vô cùng cẩn trọng, chưa cho đầu tư lớn. Nhiều nhà đầu tư đã đến với các dự án xây dựng khu nghỉ mát và các dịch vụ giải trí. Nhiều nhà đầu tư nhỏ đến đây mua đất tích trữ đợi thờ cơ. Nhưng chúng tôi không để Cù Lao Chàm thành Hội An!

* Ý ông là có điều gì đó không được hài lòng với Hội An hôm nay?

- Bạn có thấy Hội An luôn ở trạng thái mong manh dễ tổn thương về văn hóa không? Áp lực với chính quyền và người dân nơi đây rất lớn. Du khách đến đem theo nhiều va đập văn hóa, các nhà đầu tư đến đem theo nhiều khát vọng làm ăn chưa chắc đã phù hợp với định hướng phát triển của Hội An.

Đã đến lúc Hội An phải suy tính tiếp đón bao nhiêu khách là vừa. Hiện nay là 1,7 triệu lượt khách mỗi năm mà đã quá tải, tăng thành 3 triệu khách sẽ là nguy cơ mất Hội An. Chúng tôi biết phát triển là trả giá, nhưng trả cái giá nào là phù hợp.

Hội An từ nay sẽ kiên quyết giảm quy mô lễ hội lớn, khôi phục lễ hội nhỏ, có chiều sâu, có lợi cho người dân, giữ được nét đẹp truyền thống. Cái gì ngoại lai, truyền thống không có thì chúng tôi dẹp bỏ.

Phải có sản phẩm làm nên hồn vía cho phố cổ. Ví dụ trước đây, chúng tôi chỉ có khả năng vận động người dân hát bài chòi, đánh cờ, mặc áo xường xám bán hàng, tắt bớt đèn điện trong gia đình, nay thỉnh thoảng bạn bắt gặp một nhóm hát Boléro, một dàn hợp xướng nhỏ từ phương xa tới biểu diễn ngay trên vỉa hè không tách biệt với khán giả.

Thỉnh thoảng một nghệ sĩ nổi hứng, xuống thuyền thổi saxophone trên sông Hoài. Những chi tiết nhỏ tạo ra sự sống động cho Hội An chứ không phải những lễ hội đình đám.

* Lễ hội văn hóa hiện nay bị phê phán nhiều do cách tổ chức. Hội An sẽ làm thế nào, thưa ông?

- Tất cả các hoạt động văn hóa du lịch cái gì có lợi cho người dân Hội An thì mới làm. Tinh thần là chúng tôi lấy nguyên liệu tại chỗ. Ví dụ làng nghề rau Trà Quế tổ chức "Chợ rau xanh" để quảng bá và cho người dân cơ hội tiếp cận với khách hàng, biết nâng sản phẩm theo chuẩn hiện đại về bao bì, chế biến, đồng thời hút khách vào làng rau.

Làng bắp Cẩm Nam cũng có "Hội bắp nếp" cho người dân tự làm, quy mô nhỏ, miếng ngon của Hội An thơm dậy trong lòng khách. Hàng hóa được lưu thông, người nông dân Cẩm Nam không đứng bên rìa sự phát triển Hội An, đó là mục tiêu hội nhập văn hóa du lịch của tất cả các làng nghề.

Nếu chạy theo những lễ hội lớn, tô vẽ thêm về văn hóa, du nhập cái ngoại lai không phải nguyên gốc từ Hội An, thì bản sắc văn hóa, mỹ quan đô thị cổ phôi pha, lòng người chao đảo, sự tử tế bị bào mòn trước cái lợi của một lượng khách khổng lồ kéo về. Tác hại của tăng trưởng quá nóng sẽ làm mất di sản văn hóa này.

* Cù Lao Chàm còn đang rất hoang sơ, tương lai của hòn đảo này ra sao khi tuyến du lịch sẽ gắn chặt cùng Hội An?

- Cù Lao Chàm gắn chặt với Hội An, phải khẳng định như vậy, nhưng sẽ không là bản sao phát triển. Chúng tôi giới thiệu với du khách và bảo vệ một không gian sống sinh động của cư dân vùng biển, với sinh hoạt đời thường hằng trăm năm qua.

Người dân mua bán, trao đổi sản vật vùng biển, vùng rừng núi, giã bột làm bánh ít gai, tráng mì Quảng, đan vá lưới. Những truyền thuyết dân gian khôi phục và truyền cảm hứng cho du khách đến vùng đất này. Điểm đáng chú ý là sản phẩm "Chợ sản vật địa phương" không để hàng hóa từ nơi khác tràn đến, không có đồ mỹ nghệ nhập từ Trung Quốc hay vùng khác.

Bạn sẽ thấy thú vị với sản phẩm từ biển như mứt rong biển, sản phẩm chế biến từ hạt ngô đồng làm bánh in, tương, hàng lưu niệm từ cây ngô đồng như tranh ảnh, võng, túi xách, sản vật từ lá rừng, từ đảo yến sào Cù Lao Chàm nổi tiếng khắp Đông Nam Á...

Tôi nhắc lại, phát triển du lịch Cù Lao Chàm ưu tiên bảo vệ Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và quyền lợi của người dân đảo. Nhiều hợp đồng giao dịch đất đai đang xảy ra, nhưng tôi khuyến cáo người dân không nên vội vã bán đất, bán tài nguyên du lịch, mà hãy chờ cơ hội lớn của Cù Lao Chàm để tự tay làm giàu.

* Cám ơn ông! 

>Làng lụa Hội An lọt "mắt xanh" JICA
>Du lịch Hội An không còn ảo tưởng 
>Bài học kinh doanh từ hiệu may Hội An 
>Giải oan cho trái bắp Hội An
>Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí thư Thành ủy Hội An: "Đón 3 triệu khách sẽ là nguy cơ mất Hội An"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO