Walmart tiết lộ đang hợp tác với Microsoft mua lại TikTok

Quốc Thoại| 28/08/2020 09:58

Walmart xác nhận rằng họ đang hợp tác với Microsoft để mua lại TikTok, đồng thời nhiều nguồn tin cho biết TikTok sắp đạt được thỏa thuận bán mảng kinh doanh tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand trong một thỏa thuận có trị lên tới khoảng 20-30 tỷ USD.

Walmart tiết lộ đang hợp tác với Microsoft mua lại TikTok

Gã khổng lồ bán lẻ Walmart của Mỹ vừa xác nhận trong một thông cáo rằng họ muốn mua ứng dụng video dạng ngắn TikTok của Trung Quốc thông qua việc bắt tay với đại gia phần mềm Microsoft. Cổ phiếu của Walmart đã tăng gần 5% vào chiều hôm qua 27/8/2020 khi có tin này, đạt mức cao nhất trong 52 tuần gần đây là 139,35 USD/cổ phiếu, nâng vốn hóa thị trường của nhà bán lẻ này lên hơn 387 tỷ USD.

Các nguồn tin cũng cho biết ByteDance - công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh của TikTok - đang gần đạt được thỏa thuận bán các hoạt động của mình tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand trong một thỏa thuận với giá trị lên tới khoảng 20-30 tỷ USD, nhưng ByteDance vẫn chưa chọn được người mua.

Walmart là công ty mới nhất trong nhóm các đại gia Mỹ đã xác nhận tham gia cuộc đua, bao gồm cả Oracle, nhằm thâu tóm TikTok. Tuy vậy, người phát ngôn của Walmart - ông Randy Hargrove - từ chối cho biết hai công ty sẽ phân chia quyền sở hữu TikTok như thế nào nếu họ nắm giữ và liệu nhà bán lẻ có sở hữu nhiều cổ phần hơn Microsoft hay không.

Walmart tung ra nỗ lực thâu tóm TikTok vào thời điểm họ đang cố gắng cạnh tranh với Amazon bằng kế hoạch sớm ra mắt một chương trình thành viên, được gọi là Walmart +. Dịch vụ này ra đời nhằm cạnh tranh với dịch vụ Amazon Prime, vốn bao gồm các chương trình truyền hình và phim gốc.

Nhà bán lẻ hàng đầu Mỹ cho biết việc tích hợp thương mại điện tử và quảng cáo của TikTok “là một lợi ích rõ ràng cho người sáng tạo nội dung và người dùng ở những thị trường đích”, nhưng không cho biết nó sẽ sử dụng TikTok như thế nào hay nó sẽ là một phần của Walmart +.

“Chúng tôi tin rằng mối quan hệ tiềm năng với TikTok tại Mỹ, thông qua hợp tác với Microsoft có thể bổ sung chức năng tích hợp thương mại điện tử và quảng cáo, cung cấp cho Walmart một nền tảng để tiếp cận và phục vụ khách hàng đa kênh cũng như cho bên thứ ba trong phát triển thị trường và doanh nghiệp quảng cáo, đáp ứng mối quan tâm về bảo mật của các nhà quản lý Mỹ”, ông Randy Hargrove nói thêm.

Thỏa thuận này nếu được chấp thuận, sẽ cho phép Walmart và Microsoft tiếp cận hàng trăm triệu người tiêu dùng có thể mua sản phẩm của họ hoặc trở thành đối tượng tiềm năng cho quảng cáo. TikTok cho biết, họ có gần 100 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở Mỹ, tăng gần 800% so với tháng 1/2018.

Daniel Ives - Giám đốc điều hành và nhà phân tích công nghệ tại Wedbush Securities, đã mô tả TikTok là “bè cứu sinh” đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của Walmart trong cuộc đối đầu với gã khổng lồ Amazon mà Walmart đang rõ ràng ở thế bất lợi. “Walmart có thể xem đây là cơ hội vàng để hợp tác với Microsoft và kiếm tiền từ TikTok - ứng dụng có thể bắt đầu cạnh tranh với Instagram trong vài năm tới khi nó hiện diện toàn cầu”, CEO Wedbush Securities đưa ra nhận định.

Giám đốc điều hành Walmart - ông Doug McMillon - không cho biết khi nào Walmart + sẽ ra mắt hoặc nó sẽ bao gồm những đặc quyền nào, nhưng ông cho biết chương trình thành viên sẽ tăng tốc độ giao hàng cho khách hàng thông qua việc nhận và giao hàng ở ven đường, tăng cường mối quan hệ với khách hàng và thu thập dữ liệu có giá trị.

Walmart trước đây đã có nước đi tương tự trong một thỏa thuận với SoftBank, nhưng nỗ lực đó vấp phải sự phản đối từ Chính phủ Mỹ vì nó không bao gồm thành phần tối quan trọng là ứng dụng công nghệ đám mây. Giám đốc điều hành TikTok Kevin Mayer cũng vừa rời công ty, với lý do áp lực chính trị và việc buộc phải bán cho phía Mỹ, chỉ ba tháng sau khi ông bắt đầu vai trò CEO. TikTok đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ vào ngày 24/8/2020 vì lệnh cấm ứng dụng video này hoạt động ở Mỹ.

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp cáo buộc Trung Quốc có thể có khả năng tiếp cận “thông tin cá nhân và độc quyền của người Mỹ” thông qua dữ liệu do TikTok thu thập. TikTok đã nhiều lần phủ nhận những cáo buộc đó và cho biết dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ ở Mỹ, với một bản sao lưu ở Singapore và các trung tâm dữ liệu của họ không được đặt ở Trung Quốc.

Sau lệnh hành pháp, hàng nghìn người dùng Mỹ kéo lên App Store và chấm "một sao" cho ứng dụng tranh cử của Donald Trump - Official Trump 2020 - kéo điểm trung bình của ứng dụng này xuống còn 1,2 sao.

Mảng kinh doanh TikTok tại Mỹ đứng trước nguy cơ phải bán cho phía Mỹ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết vào tháng 7 rằng ông đang xem xét cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc vì lý do an ninh. Chính phủ Mỹ cho biết, họ lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng do TikTok thu thập.

Lầu Năm Góc đã cấm TikTok trên các thiết bị di động do Chính phủ cấp vào tháng 1, vài tháng sau cả Hạ viện Mỹ và Thượng viện Mỹ đã có bước đi tương tự. Tổng thống Donald Trump đã tham gia kêu gọi lệnh cấm ứng dụng và chiến dịch tranh cử tổng thống của ông đã kêu gọi những người có quảng cáo trên Facebook và Instagram ký vào bản kiến nghị cấm TikTok.

Cuối tháng 6, cộng đồng giới trẻ chơi TikTok ở Mỹ cũng rủ nhau phá Tổng thống Mỹ bằng cách cố tình đăng ký tham dự cuộc vận động tranh cử của Trump tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma nhưng không đến, khiến sự kiện vắng vẻ và khiến cả ông Trump và Phó tổng thống Mike Pence hủy kế hoạch đọc bài diễn văn tại đây.

Cuộc vận động tranh cử diễn ra ngày 20/6/2020 chỉ có khoảng 6.200 người ủng hộ có mặt trong hơn sân vận động BOK Center với 19.000 chỗ ngồi, trong khi ban tổ chức trước đó cho biết họ nhận được hơn 1 triệu yêu cầu đăng ký giữ chỗ. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Walmart tiết lộ đang hợp tác với Microsoft mua lại TikTok
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO