Vũ khí quyết tử của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

THÁI DUY| 15/10/2018 06:00

Trước tình hình chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí quyết tử với Mỹ: bán tháo toàn bộ trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ.

Vũ khí quyết tử của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư từng cố gắng dự đoán đường đi nước bước của cả Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ chiến tranh thương mại. Hầu hết những dự đoán này đều xoay quanh những đợt trả đũa liên tiếp từ hai phía. Tuy nhiên, ngay cả khi tình hình trở nên tồi tệ nhất có thể, hiếm ai dám nghĩ đến nước cờ nguy hiểm nhất Trung Quốc có thể tung ra.

Quốc gia này hiện đang là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, với tổng giá trị đến hơn 1.000 tỉ USD. Số nợ này được mô tả như “quả bom hạt nhân”, trong đó Bắc Kinh công khai ngừng mua trái phiếu chính phủ Mỹ, hoặc tệ hơn, bán tháo toàn bộ lượng trái phiếu họ đang nắm giữ.

Thực tế, ý tưởng này thường nhanh chóng chỉ xuất hiện thoáng qua trong mắt giới quan sát, với lý do nó chắc chắn sẽ tổn hại nền kinh tế của cả hai bên. Nếu bán tháo ra thị trường, Trung Quốc sẽ khiến lãi suất tăng cao và đả thương nền kinh tế Mỹ. Song, động thái này cũng khiến giá trị tài sản kho bạc Trung Quốc chịu tác động không nhỏ.

Thế nhưng, những dự đoán trước đây về đường đi nước bước của chính quyền Bắc Kinh có thể sai lầm. Việc Trung Quốc gần đây giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ làm ngày càng nhiều chuyên gia nghi ngờ nước này đang chơi quân cờ thao túng lãi suất để đấu với Tổng thống Donald Trump.

Nếu đúng như trên, chính phủ Trung Quốc sẽ ra quyết định lúc thâm hụt ngân sách quá lớn khiến Kho bạc Mỹ tăng nhu cầu vay, thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế này. Với quá nhiều khoản nợ phải trả, lãi suất tăng sẽ khiến những khoản nợ này thêm phần đắt đỏ. Tuy chưa rõ tác động ở mức nào, nhưng chắc chắn nước cờ này sẽ cộng hưởng với những đợt tăng lãi suất gần đây của Cục dự trữ Liên bang Mỹ và gây ra tác động đáng kể.

Điều đáng nói là nếu Trung Quốc có thể hưởng thế thượng phong lâu dài đối với Mỹ bằng cách đánh đổi một khoản thiệt hại ngắn hạn, nước này có thể sẵn sàng hành động.

Theo chiều ngược lại, phía bác bỏ khả năng này cho rằng bản thân nền kinh tế Trung Quốc quá mỏng manh để có thể mạo hiểm tạo ra bất ổn. Sự ổn định luôn là ưu tiên của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình. Chỉ sau cú sa sút vào cuối tuần rồi, Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải nhanh chóng bơm 175 tỉ USD vào nền kinh tế bằng cách giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và tổ chức tài chính, cho phép dòng tiền được tự do lưu thông.

Tình hình trên thực tế vẫn rất khó đoán. Nếu nước cờ này của Trung Quốc không phát huy tác dụng, Bắc Kinh sẽ mất đi tầm ảnh hưởng của mình. Ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu nhiều tổn thương hơn mong đợi. Ngay cả khi được thực thi một cách kỹ lưỡng nhất, không để lại hậu quả, nước đi này của Trung Quốc vẫn nguy hiểm. Hậu quả có thể lan truyền từ Mỹ sang châu Âu và các nền kinh tế mới nổi khác – những nơi cũng gắn bó mật thiết với lợi ích kinh tế của chính Trung Quốc.

Kể từ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh và chạy đua hạt nhân, thế giới đã đồng thuận một chính sách chung để suy trì ổn định: các quốc gia đối đầu tránh sử dụng các đòn tấn công có nguy cơ gây ra hủy diệt. Đây cũng là một chính sách kinh tế tốt trong thời điểm hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vũ khí quyết tử của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO