Trung Quốc đang đưa Châu Á đến gần với Mỹ

LAM HỒNG| 21/05/2014 08:39

Thái độ hung hăng và phi lý của Trung Quốc (TQ) trong các vấn đề Biển Đông chỉ khiến các nước châu Á muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Trung Quốc đang đưa Châu Á đến gần với Mỹ

Thái độ hung hăng và phi lý của Trung Quốc (TQ) trong các vấn đề Biển Đông chỉ khiến các nước châu Á muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Đọc E-paper

Bắc Kinh tiếp tục hành động đơn phương

Tháng 7 tới, Mỹ và TQ sẽ cùng tổ chức một cuộc thảo luận chiến lược thường niên. Nhiều khả năng, tranh chấp chủ quyền trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một trong những nội dung chính trong cuộc họp này. Theo dự kiến, phía Mỹ sẽ có Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew và Ngoại trưởng John Kerry, phía TQ sẽ cử Phó thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tham dự hội nghị.

Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Mỹ nhiều lần đưa ra cảnh báo nhiều quốc gia ở châu Á đang ngày càng quan ngại TQ sử dụng vũ lực để theo đuổi các yêu sách lãnh thổ của họ tại Biển Đông và Hoa Đông. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng, sự quyết đoán ngày càng tăng của TQ ở Biển Đông và Hoa Đông sẽ chỉ khiến các nước châu Á tích cực tìm kiếm sự hợp tác và hậu thuẫn lớn hơn từ Mỹ trong tất cả các lĩnh vực ngoại giao, quân sự, kinh tế.

Theo Washington Post, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice tuyên bố TQ sẽ bị cô lập ở khu vực và trên trường quốc tế vì các hành vi hiếu chiến trên Biển Đông. "Bắc Kinh sẽ tiếp tục hành động đơn phương trong khu vực cho đến khi vấp phải sự kháng cự dù mang tính ngoại giao hay quân sự", Washington Post cảnh báo.

Chuyến công du hồi tháng 4 vừa qua của Tổng tống Mỹ Barack Obama là khẳng định mới nhất về chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ. Ở các mức độ khác nhau, bốn chính phủ châu Á đang tìm kiếm tăng cường hợp tác quân sự và cam kết ngoại giao từ Mỹ.

Hàn Quốc và Nhật Bản cần tăng cường các hoạt động quân sự để đề phòng mối đe dọa từ Triều Tiên. Nhật Bản và Philippines đang ngày càng lo ngại trước sự quyết đoán của TQ trong các tranh chấp trên biển. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm thực hiện cam kết quân sự rõ ràng với Nhật Bản trong trường hợp có một cuộc tấn công nghiêm trọng từ TQ.

Mỹ tăng cường sự hiện diện

Tương tự, Mỹ cũng đã ký với Philippines một hiệp ước quốc phòng 10 năm, cho phép sự hiện diện quân sự Mỹ đáng kể tại Philippines kể từ khi quân đội Mỹ để lại căn cứ tại Clark và Subic Bay vào đầu những năm 1990.

Tướng Emmanuel Bautista, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines tiết lộ, Manila dự trù cho quân đội Mỹ sử dụng một căn cứ hải quân ngay trên đảo Palawan, miền Tây nước này. Cơ sở này sẽ cho phép chiến hạm Mỹ hiện diện sát nơi đang là điểm nóng của các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Thậm chí, trước sự hậu thuẫn của Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Abe tuyên bố sẽ quyết tâm áp dụng quyền phòng vệ tập thể, qua đó nước này có thể thực hiện quyền bảo vệ một đồng minh, như Mỹ trước một cuộc tấn công vũ trang và ngay cả khi bản thân Nhật Bản không bị tấn công. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã hoan nghênh quyết định này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhật Bản sẽ can thiệp vào Biển Đông

Theo tờ Asahi Shimbun, nhiều quan chức cấp cao của Nhật đã đề cập đến khả năng mở rộng phòng thủ tập thể không chỉ đối với đồng minh là Mỹ, mà còn cả những quốc gia ở Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.

Chính phủ của Thủ tướng Abe cho rằng, Nhật Bản có quyền tham gia phòng thủ tập thể để ứng phó các tình huống khẩn cấp ở những tuyến đường biển quan trọng, bao gồm biển Đông.

Việc Nhật tăng cường hợp tác quân sự với các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với TQ trên Biển Đông có thể sẽ giúp kiềm chế sự bành trướng của TQ.

"TQ dường như trở nên mù quáng với sự trỗi dậy, niềm tự hào dân tộc và thành công kinh tế. Con đường của nước này đang đi, với những hành động liều lĩnh, chỉ dẫn tới sự cô lập quân sự", Hãng tin UPI đăng bài phân tích của TS. Jeff Moore thuộc Hãng Muir Analytics.

Còn theo Wall Street Journal, việc TQ đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Đông là một rủi ro về chính trị và sự mạnh bạo của TQ đang đẩy các nước ASEAN vào vòng tay của Mỹ. Việc các thành viên ASEAN ra được tuyên bố tại hội nghị cấp cao vừa rồi ở Myanmar cho thấy ASEAN thực sự tìm kiếm một sự đồng thuận để đề phòng chiến lược trỗi dậy từ người hàng xóm TQ.

Giới ngoại giao Việt Nam và Philippines tích cực vận động ASEAN lên tiếng đòi TQ phải hạn chế gây hấn. Trong khi Malaysia đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao với Philippines và Việt Nam trong vài tháng gần đây, thì Indonesia mới đây cũng đã công khai chất vấn về học thuyết "đường chín đoạn" của TQ và cho rằng yêu sách này không có cơ sở pháp lý khi chiếm cả phần tỉnh Riau của nước này.

Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và ASEAN cần đoàn kết trong việc từ chối công nhận các tuyên bố chủ quyền đơn phương đối với các lãnh thổ có tranh chấp.

Tổng tham mưu trưởng Quân đội TQ Phòng Phong Huy đã chỉ trích chiến lược "xoay trục" của Tổng thống Obama, cho rằng chính chiến lược này đã khuyến khích Việt Nam, Philippines và Nhật Bản gây hấn với TQ. Nhưng quan chức Mỹ trả lời hãng tin Reuters đã bác bỏ lời cáo buộc này và cho rằng TQ đã diễn giải sai một cách cơ bản chiến lược của Mỹ và thái độ của TQ chỉ khiến các nước châu Á muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào các vấn đề quân sự, kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Mỹ nên hợp lực cùng ASEAN ngăn chặn TQ

Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, cho tới nay Washington vẫn tuyên bố không đứng về phe nào và vẫn kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Nhưng bà Elizabeth Economy và ông Michael Lev, hai nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ đối ngoại của Mỹ, cho rằng, Mỹ và các nước ASEAN nên hợp lực thành một mặt trận thống nhất nhằm ngăn chặn Bắc Kinh đơn phương xác quyết chủ quyền tại các vùng biển đang tranh chấp.

Hai nhà nghiên cứu này đề nghị rằng, cho dù Mỹ không có nghĩa vụ bảo vệ Việt Nam nhưng Washington nên chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân. Nếu lời nói không đi đôi với hành động, uy tín của Mỹ trong việc cam kết duy trì hòa bình và ổn định khu vực sẽ bị sứt mẻ.

>Thủ tướng Malaysia: Giải pháp cho Biển Đông là luật pháp quốc tế
>Bắc Kinh sẽ là “nạn nhân lớn nhất” trong căng thẳng Biển Đông
>
Tướng Trung Quốc: Mỹ gây ra tình hình hiện nay trên Biển Đông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc đang đưa Châu Á đến gần với Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO